Thời sự
Khả năng CPI 6 tháng cuối năm tăng không cao
Hàn Tín - 05/07/2021 09:17
CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Nhiều chuyên gia dự báo, CPI bình quân cả năm có thể không cao, song cũng không nên chủ quan.
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Cơ sở để kiểm soát CPI

Mặc dù giá nguyên - nhiên - vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng, nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số Giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù vẫn rất thận trọng khi cho rằng, 6 tháng cuối năm còn nhiều yếu tố khiến CPI tăng cao, như giá nguyên liệu, nhiên liệu là đầu vào của sản xuất trong nước, đặc biệt là giá xăng dầu, xi măng, sắt thép, nhưng PGS-TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) tự tin nhận định, CPI bình quân năm nay chỉ tăng khoảng 2,5%, với biên độ cộng/trừ 0,3%.

“Virus Corona chủng Beta đang diễn biến hết sức khó lường. Tại nhiều quốc gia, dịch bệnh tái bùng phát  sau khi đã được khống chế, cộng với chiến tranh thương mại gữa các cường quốc kinh tế đang có dấu hiệu “leo thang” trở lại, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới khó có thể tăng như dự báo cách đây vài ba tháng. Vì thế, giá cả nguyên - nhiên - vật liệu đầu vào trên thế giới khó tăng như kỳ vọng của các nước xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm”, PGS-TS. Nguyễn Bá Minh phân tích.

Không quá lạc quan như PGS-TS. Nguyễn Bá Minh, nhưng chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, khả năng CPI 6 tháng cuối năm tăng không cao. “Giá xăng dầu, sắt thép, xi măng, nguyên - nhiên - vật liệu đầu vào, giá vận chuyển container đã tăng quá cao, khó có thể tăng cao nhiều hơn nữa. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng không thể để các loại hàng hóa, dịch vụ này ‘tăng vô lối’, vì điều đó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của chính họ. Khi giá các loại hàng hóa, dịch vụ này được kiểm soát, sẽ góp phần đáng kể cho việc kiểm soát CPI 6 tháng cuối năm của nước ta. Nhiều khả năng, CPI năm nay khoảng 3,3 - 3,7%”, ông Phú dự báo.

Bài toán tăng trưởng kinh tế

Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), CPI năm nay tăng bao nhiêu phụ thuộc vào… Covid-19. “Nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đạt 6,7 - 6,8%, thì lạm phát xoay quanh 3,3 - 3,5%. Còn nếu sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đặc biệt là khống chế được dịch tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thì trong 6 tháng cuối năm, GDP sẽ tăng trưởng 7 - 7,4% và CPI tăng 3,8 - 4%”, ông Thịnh nhận định.

Dù dự báo CPI năm 2021 không tăng cao, nhưng hầu hết chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định phải “hết sức thận trọng”.

Ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, về mặt con số, thì rủi ro lạm phát năm nay không lớn, việc việc giữ CPI bình quân dưới 4% nằm trong tầm kiểm soát, nếu không có những yếu tố đột biến xảy ra. Tuy nhiên, rất khó lường trước những yếu tố bất thường. Nguy cơ đã nhìn thấy trước là căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong lĩnh vực thương mại dự báo diễn biến phức tạp, khi Covid-19 lắng xuống sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Cùng với đó, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán tăng liên tục và không thể dự báo, nếu không kiểm soát tốt, một khi bong bóng tài sản bị vỡ, sẽ tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô.

Đánh giá rất cao các gói giải pháp tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội của Chính phủ nhằm giúp người dân, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn do Covid-19, đặc biệt là gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trị giá 26.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua, tuy nhiên, về khía cạnh kiểm soát lạm phát, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng bày tỏ lo ngại. Cụ thể, một lượng tiền rất lớn sẽ được đưa vào lưu thông qua chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm trên 30 loại phí, lệ phí; giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ… và 26.000 tỷ đồng “tiền tươi” được đổ ra lưu thông sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát.

“Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, Việt Nam luôn kiên định giữ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, có thể thấy, việc giữ được cả 2 mục tiêu này là vô cùng khó khăn. Bởi vì, nếu nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì lạm phát tăng; còn nếu kiểm soát lạm phát, thì tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, phải hết sức thận trọng khi thực hiện cả 2 mục tiêu này”, ông Phú nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác