Thời sự
Khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công rất cao
Mạnh Bôn - 14/10/2018 08:47
Giải ngân vốn đầu tư công quý III/2018 tăng đáng kể so với quý II/2018 và so với cùng kỳ năm 2017, nhưng chưa đạt so với kế hoạch. Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) trao đổi về nguyên nhân của tình trạng này.
TIN LIÊN QUAN

Trong 2 quý gần đây, giải ngân vốn đầu tư công đã có khởi sắc, thưa ông?

So với cùng kỳ, trong quý III/2018, giải ngân vốn ngân sách nhà nước tăng 14,8% và vốn trái phiếu chính phủ tăng hơn 94%. Tổng hợp 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 244.100 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công, cả vốn trái phiếu chính phủ lẫn vốn ngân sách nhà nước có xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước.

.

Việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 đã có những chuyển biến tích cực, theo tôi, là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ ngay từ đầu năm. Một số bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, chủ dự án, chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư công một cách đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể do chính các bộ ngành, địa phương đề ra với mục tiêu giải ngân hết và có hiệu quả kế hoạch vốn được giao năm 2018.

Nhưng so với kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ, vì vậy, vẫn phải đẩy nhanh hoạt động này?

So với kế hoạch vốn, thì 9 tháng đầu năm mới giải ngân đạt gần 63%. Dù giải ngân vốn đầu tư công năm nay có khởi sắc so với mấy năm gần đây, song để hoàn thành khối lượng giải ngân trong 3 tháng còn lại của năm nay, cũng không hề đơn giản. Vấn đề là không chỉ hoàn thành giải ngân của năm nay, mà làm sao khắc phục được các hạn chế, vướng mắc, tồn tại để không còn tình trạng như nhiều chuyên gia nói là “có tiền nhưng không biết tiêu”.

Tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, theo tôi, là một số bộ, ngành, địa phương chưa quán triệt đầy đủ các quy định trong việc phân bổ vốn đầu tư như phân bổ cho các dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí; dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định; thủ tục đầu tư chưa được hoàn thiện..., ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch vốn. Còn tình trạng chủ đầu tư chuẩn bị dự án sơ sài, mang tính hình thức dẫn đến sau khi dự án được bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, một số dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2018, nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận/hiệp định hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền chưa giải ngân được phải làm thủ tục gia hạn giải ngân theo quy định. 

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, thưa ông?

Đúng vậy. Bên cạnh đó, còn xuất hiện vướng mắc trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tại Bộ Xây dựng. Một số dự án chuyển tiếp hoặc dự kiến hoàn thành trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư hoặc đang trong giai đoạn kiểm toán quyết toán các gói thầu. Một số dự án khởi công mới có tỷ lệ thực hiện và giải ngân rất thấp, do các đơn vị cần thời gian lựa chọn tư vấn thiết kế, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công xây lắp. Vì vậy, sau khi được giao kế hoạch vốn, chủ đầu tư mới bắt đầu tiến hành các bước chuẩn bị thực hiện dự án, làm các thủ tục giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu thầu, nên khối lượng nghiệm thu và thanh toán trong 9 tháng đầu năm chưa nhiều...

Chính phủ yêu cầu trong năm 2018 phải giải ngân tối thiểu 95-98% vốn đầu tư công theo kế hoạch (số còn lại sẽ giải ngân tiếp vào tháng 1/2019). Với tốc độ giải ngân dự kiến trong quý IV, theo ông, liệu có đạt mục tiêu mà Chính phủ yêu cầu? 

Để đạt được mục tiêu, trong 3 tháng còn lại, cần phải giải ngân khoảng 32 - 35% kế hoạch. Theo tôi, mục tiêu này là khả thi, bởi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Đồng thời, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, điều chỉnh kế hoạch từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn.

Thưa ông, để đạt được mục tiêu, vấn đề là phải có giải pháp quyết liệt?

Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là dự án lớn, công trình quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát tiến độ giải ngân nhất là các dự án ODA và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương và đề xuất giải pháp cụ thể đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong các tháng cuối năm. 

Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2018 theo Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 3/8/2017; chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát thi công, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công; chỉ đạo, phối hợp với cơ quan liên quan xử lý quyết liệt những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề xuất, kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 đối với dự án không có khả năng thực hiện và giải ngân hết trong năm 2018, điều chuyển cho dự án khác có khả năng thực hiện và giải ngân vốn tốt hơn; chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để giải ngân vốn khi có khối lượng hoàn thành, tránh tình trạng để dồn thanh toán vốn đến cuối năm kế hoạch.

Tôi nghĩ, với các giải pháp nêu trên, nhất là quan điểm kiên quyết không gia hạn, chuyển tiếp đối với các dự án giải ngân chậm tiến độ, khả năng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch rất cao.

Tin liên quan
Tin khác