Điểm nóng
“Khắc nhập, khắc xuất” tại cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Anh Minh - 19/09/2022 07:19
UBND tỉnh Lạng Sơn đang tìm kiếm sự đồng thuận về việc tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra khỏi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài 43 km chưa hoàn thành đã tạo nên sự đứt gãy trong việc kết nối tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Tách và nhập

Cơ quan có thẩm quyền Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vừa nhận được sự đồng thuận quan trọng từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thành 1 dự án độc lập và triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Trong Công văn số  9356/BGTVT - ĐTCT gửi Văn phòng Chính phủ vào giữa tuần này, Bộ GTVT cho rằng, đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tách đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án riêng để triển khai theo hình thức PPP là có cơ sở.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đồng thời thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tiếp tục giao địa phương này thực hiện nhiệm vụ Cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Trước đó, vào tháng 8/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 920/UBND - KT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tại công văn này, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, có mục tiêu kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cửa khẩu Hữu Nghị ra khỏi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án sau khi tách.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tỉnh này và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của Dự án thành phần 2 hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng.

Để đảm bảo tính khả thi tài chính, vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép triển khai Dự án thành phần 2 theo quy định của Điều 70, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), với tổng mức đầu tư là 7.609 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước 3.500 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 4.109 tỷ đồng, thay vì nhà đầu tư phải bỏ 100% vốn.

“Hiện Chính phủ đã phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án thành phần 2, trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng; đồng thời đã có một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn, đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính của dự án”, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Tại Công văn số 9356, Bộ GTVT cho biết, Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng trước đây được nghiên cứu đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác đàm phán khoản vay, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm hoàn thành đồng bộ với đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) đang được đầu tư theo hình thức BOT, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, vào tháng 12/2017, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Đến tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất này của Bộ GTVT, đồng thời giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Trái ngược với kỳ vọng khi thực hiện “khắc nhập”, do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng nên suốt hơn 4 năm qua, Dự án thành phần 2 vẫn chưa thể triển khai trên thực địa, dù đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, Dự án thành phần 1, đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2020, tạo nên sự “đứt gãy” đáng tiếc trong việc kết nối đoạn tuyến cao tốc này với cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn.

Chọn lại nhà đầu tư

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng trước đây là dự án độc lập, đang được nghiên cứu đầu tư bằng nguồn vốn vay ADB. Ngoài ra, đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) cũng đã hoàn thành và đang vận hành khai thác độc lập. “Do vậy, việc tách đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án riêng để triển khai vẫn bảo đảm việc vận hành độc lập, phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 50, Luật Xây dựng”, ông Lê Đình Thọ đánh giá.

Theo phân tích của Bộ GTVT, phương án tách riêng đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án độc lập, triển khai theo phương thức PPP có một số ưu, nhược điểm.

Trong đó, ưu điểm lớn nhất là giúp nhà đầu tư thuận tiện hơn trong việc huy động nguồn vốn tín dụng cho Dự án. Cụ thể, việc tách thành dự án độc lập làm giảm khoản vay từ các tổ chức tín dụng, tăng hiệu quả tài chính của dự án, được áp dụng Luật PPP mới ban hành, có thể áp dụng các điều khoản về chia sẻ tăng/giảm doanh thu nếu được cấp thẩm quyền cho phép.

Thực tế, trong quá trình huy động vốn tín dụng cho các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, các ngân hàng đều yêu cầu điều kiện cho vay tín dụng là phải được áp dụng điều khoản chia sẻ tăng/giảm doanh thu theo quy định tại Luật PPP. Việc triển khai lại Dự án cũng giúp tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế do tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn lại nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ở chiều ngược lại, việc tách Dự án và triển khai lại từ đầu có thể phải kéo dài thời gian thực hiện công trình do phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; xử lý điều chỉnh hợp đồng và khối lượng đã thực hiện với nhà đầu tư hiện hữu để tránh tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện.

Được biết, trước khi gửi đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ, vào ngày 27/7/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức buổi làm việc với đại diện 3 nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để xem xét, thống nhất một số nội dung liên quan đến Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, trong đó, 3 doanh nghiệp trong liên danh nhà đầu tư hiện hữu là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), Công ty cổ phần Licogi 16 và Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh.

“Đây là vấn đề mà UBND tỉnh Lạng Sơn cần lưu tâm khi triển khai các thủ tục tiếp theo, đặc biệt là trong việc giải quyết những nội dung liên quan đến Dự án thành phần 2 đã thực hiện, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT khuyến nghị.

“Chơi vơi” cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Hữu Nghị, hiện đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã khai thác từ đầu năm 2016, đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) đã đưa vào vận hành từ ngày 15/1/2020, chính thức thu phí từ ngày 18/2/2020, nhưng còn 30 km nữa mới đến TP. Lạng Sơn và cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 43 km (thuộc phạm vi đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng).
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mục đích của giao thông không đơn thuần chỉ là kết nối, mà còn tạo động lực và lan tỏa phát triển. Điều đó giải thích tại sao nguyên lý của giao thông là “đồng bộ”.
Ông Thiên nhấn mạnh, mục tiêu chiến lược của tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn là giải quyết vấn đề kết nối - đồng bộ, tạo động lực phát triển, để trên cơ sở đó, lan tỏa phát triển ra các địa phương khác trong vùng Đông Bắc và quốc tế, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi của tỉnh Lạng Sơn.
Trong khi đó, việc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hiện vẫn còn 30 km nữa mới đến TP. Lạng Sơn đã đi ngược nguyên lý quan trọng nhất trong đầu tư giao thông.
“Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ thì vấn đề sẽ trở thành điểm nghẽn cho quá trình phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch trên phạm vi cả nước”, ông Trần Đình Thiên đánh giá.
Thực tế, tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km, bao gồm 2 dự án là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn (kết thúc tại huyện Chi Lăng) dài 64 km, dù đã hoàn thành cách đây 2 năm vẫn đang bị coi là chưa đồng bộ khi chỉ còn cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km. Điều này khiến đoạn đường nối đến 2 đầu mối giao thông và giao thương quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi “mượn” tuyến Quốc lộ 1 chỉ có 2 làn xe, được cải tạo cách đây 20 năm và đã quá tải từ lâu.
Được biết, nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hiệp hội Vận tải đường bộ địa phương đã nhiều lần gửi văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bày tỏ lo ngại về việc bị “đứt gãy” của một tuyến giao thông quan trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án.
Tin liên quan
Tin khác