Theo báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam vừa được Grant Thornton công bố, năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đạt 6,8 triệu lượt khách. Trong đó, du khách châu Á vẫn đứng đầu với mức tăng 5,5% so với năm trước, trái ngược với sự sụt giảm của du khách đến từ châu Âu và châu Mỹ.
Khảo sát cũng cho thấy hiện du khách đã quen với việc đặt phòng khách sạn qua internet hơn là các biện pháp truyền thống trước đây, do sự thuận tiện và ít tốn chi phí hơn. Cụ thể, tỷ lệ khách du lịch đặt khách sạn qua internet tăng 1,4% lên mức 16,1%, trong khi đặt phòng thông qua các đại lý du lịch và các nhà điều hành tour, hoặc đặt trực tiếp với khách sạn lần lượt giảm 0,3% và 0,9%.
Khách thương nhân, khách du lịch cá nhân và khách du lịch theo đoàn luôn là 3 nhóm khách lớn nhất trong 10 năm qua. Trong đó, năm 2012 khách thương nhân tăng 6,9% trong khi tỷ lệ đoàn du lịch giảm 2,7%.
|
Đặt phòng qua internet tăng trưởng trong năm vừa qua. Nguồn: Grant Thornton Việt Nam |
Do tình hình kinh tế suy thoái cùng với lượng cung phòng mới tăng khoảng 20.000 căn, giá phòng bình quân năm 2012 giảm nhẹ 0,5% xuống 90,4 USD so với năm 2011.
Xét riêng từng loại, giá phòng bình quân của khách sạn 3 sao và 5 sao tăng lần lượt 2,2% và 1,2%, trong khi giá phòng bình quân khách sạn 4 sao giảm 4,8% năm vừa qua. Ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành của công ty Grant Thornton Việt Nam cho biết, ông cũng ngạc nhiên với việc các khách sạn 3 và 5 sao có một năm hoạt động hiệu quả hơn, cho dù các dự đoán trước đây đều cho rằng khách sạn 5 sao đang bị thừa cung.
Tuy nhiên, về công suất thì khối khách sạn 3 sao và 4 sao lại tăng, trong khi khách sạn 5 sao lại giảm.
Xét theo vùng miền, miền Trung - Cao Nguyên có giá phòng tăng cao nhất (tăng 13,3%), trong khi giá phòng bình quân ở cả miền Bắc và miền Nam đều giảm. Đặc biệt, ở miền Nam, giá phòng giảm tới 7,6% so với năm trước. Điều này dẫn tới công suất thuê phòng ở miền Nam tốt hơn năm ngoái 1,2%, trong khi 2 vùng còn lại vẫn giảm.
Cuộc khảo sát của Grant Thornton cũng cho thấy một dấu hiệu tích cực trong nhận thức và quản lý các tiêu chuẩn chất lượng của ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam. Điều này được thấy rõ ràng nhất ở miền Nam khi có 60% số khách sạn có những thay đổi lớn, trong khi tỷ lệ tại miền Bắc là 52,6% và miền Trung - Cao Nguyên là 52,2%.
Thống kê của Grant Thornton cũng cho thấy, hiện cả nước có 640 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao, tập trung nhiều nhất ở TP HCM (138), Hà Nội (128), Đà Nẵng/Hội An (80), Nha Trang (34)... |
Huyền Thư - Vnexpress