Ngân hàng - Bảo hiểm
Khách hàng "giam lỏng" nợ xấu
Hà Tâm - 17/01/2014 09:04
Về nguyên tắc, khi khách hàng nợ quá hạn, ngân hàng có thể đem tài sản thế chấp ra bán để thu hồi nợ. Song thực tế, dù có kiện ra tòa, thì ngân hàng cũng khó lòng mang được tài sản đảm bảo của món nợ đó mang đi bán. Giấu nợ giống như "lạc đà chui đầu vào cát" >Tụng kinh trước biệt thự của con nợ đòi 5,5 tỷ đồng

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng đang ráo riết tìm cách bán nợ. Tuy nhiên, không dễ bán được khối nợ xấu khổng lồ hiện nay.

Khó tìm cửa bán

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sắp tới, nếu Thông tư 02/2013/TT-NHNN chính thức áp dụng, nợ xấu có thể sẽ tăng gấp đôi.

Xử lý tài sản đảm bảo là một trong những nút thắt khi ngân hàng muốn giải phóng nợ xấu

Được biết, không chỉ VAMC, mà các ngân hàng thương mại cũng đang ráo riết giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho cán bộ. Tuy nhiên, làm thế nào để bán nợ, thậm chí làm sao để đòi được nợ mang về bán đang là bài toán vô cùng khó khăn.

“Khi có các khoản nợ khó đòi, bản thân ngân hàng là người bị hại. Thế nhưng, một nghịch lý đã xảy ra là, một số doanh nghiệp khi bị đòi nợ lại quay ra tìm những sai sót nhỏ của ngân hàng trong quá trình cho vay để kiện ngân hàng. Khi ra tòa án, chỉ vì một vài sai sót nhỏ của nhân viên tín dụng, mà ngân hàng bị tòa tuyên bố vô hiệu hóa các tài sản thế chấp được định giá cả trăm tỷ đồng. Khi đó, ngân hàng chỉ biết ngậm ngùi than khóc”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nói.

Nhiều ngân hàng TMCP cũng cho hay, họ rất khó bán nợ ra thị trường, mà chỉ trông chờ vào bán nợ cho VAMC. Song không phải khoản nợ nào cũng có thể bán được cho VAMC. Chưa kể, ngay cả khi bán nợ cho VAMC, thì ngân hàng vẫn phải đi đòi khoản nợ đã bán.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, xử lý nợ xấu phải có một dòng tiền bơm vào. Hiện nay, nợ xấu mới được xử lý bằng biện pháp kỹ thuật, tức là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

“Thị trường mua bán nợ xấu chưa được thành lập, mà khi chưa có thị trường, thì nợ xấu chưa thể bán, tức là chưa có dòng tiền mới chảy vào, hay nói đúng hơn là nợ xấu vẫn nằm im”, TS. Thành phân tích.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC thừa nhận, năm 2014, nhiệm vụ của VAMC sẽ nặng nề hơn năm 2013 rất nhiều, nhất là nhiệm vụ xử lý nợ. VAMC đã giao chỉ tiêu cơ cấu nợ, thu hồi nợ cho nhân viên và ủy quyền cho các ngân hàng thu nợ, song kết quả rất khó đạt được như mong đợi.

Bế tắc với tài sản đảm bảo

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VAMC đã chuẩn bị nhiều phương án bán nợ. Theo đó, nợ xấu có thể sẽ được bán đứt cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoặc sẽ kêu gọi doanh nghiệp góp vốn tái cấu trúc. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc gỡ vướng thủ tục pháp lý.

Các thủ tục pháp lý sớm được ban hành và tháo gỡ gồm: thủ tục phát mại tài sản, bán đấu giá khoản nợ, cơ chế bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu tài sản bằng bất động sản của người nước ngoài ở Việt Nam…

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng đề nghị, cần sớm có giải pháp mạnh tay để chấm dứt tình trạng nợ xấu đang bị khách hàng “giam lỏng”. Về nguyên tắc, khi khách hàng nợ quá hạn, ngân hàng có thể đem tài sản thế chấp ra bán để thu hồi nợ. Song thực tế, dù có kiện ra tòa, thì ngân hàng cũng khó lòng mang được tài sản đảm bảo của món nợ đó mang đi bán.

Bà Lê Thị Hương, đại diện VPBank Đà Nẵng cho hay, ngân hàng này từng cho một khách hàng vay 14,5 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo 23,5 tỷ đồng. Khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng thắng kiện theo phán quyết của cơ quan thi hành pháp luật từ năm 2011, tuy nhiên, tài sản bảo đảm trên vẫn án binh bất động, chưa hề được cơ quan thi hành án cưỡng chế kê biên, đấu giá tài sản, dù ngân hàng nhiều lần đề nghị.

Trên thực tế, không chỉ ngân hàng, mà cả VAMC cũng đang bế tắc với loại tài sản đảm bảo trên. Ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, VAMC cũng đang vướng với nhiều khoản nợ đã mua mà án đã có hiệu lực, song cơ quan thi hành án không thể thu hồi.

Trước bế tắc này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần khẩn trương ban hành các cơ chế giúp VAMC và các ngân hàng bán thật nhanh nợ xấu. Nếu tiếp tục chậm chạp như hiện nay, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng bán nợ, nhất là bán nợ cho đối tác nước ngoài.

Tin liên quan
Tin khác