Thời sự
Khai mạc Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5
Ngọc Tân - 17/11/2015 09:14
Đại hội sẽ 5 có 3 phiên hội nghị toàn thể, 13 hội thảo quốc tế theo 3 nhóm chủ đề “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu”, “Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” và “Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương” với tổng cộng 9 nội dung được thảo luận.
Lễ khai mạc Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5

Chiều ngày 16/11, tại Đà Nẵng, Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 của Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) với chủ đề “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương- Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015”, chính thức khai mạc. Đại hội Biển Đông Á lần 5 có khoảng 400 đại biểu quốc tế và 300 đại biểu Việt Nam tham dự.

Theo Bộ TN-MT, Đại hội Biển Đông Á lần 5 là sự kiện quốc tế tầm cỡ, rất quan trọng đối với lĩnh vực biển, hải đảo. Việc đăng cai tổ chức Đại hội nhằm khẳng định vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, hữu nghị, phát triển trong khu vực biển Đông Á cũng như trên quốc tế. Việc đánh giá sát thực các kết quả của chương trình được thực hiện trong 22 năm qua cùng sự tụ hội các chuyên gia tiên phong đến từ các vùng biển Đông Á sẽ mang lại sự hợp tác chặt chẽ hơn, các sáng kiến có tầm ảnh hưởng lớn hơn và một cái nhìn khách quan về các bài học kinh nghiệm.

Cũng theo Bộ TN-MT, năm 2015 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử nỗ lực và cam kết về bền vững toàn cầu. Đại hội lần này được xem như nền tảng để đánh giá những bài học kinh nghiệm và tiến độ đạt được, mở rộng các hoạt động hiệu quả, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, xác định mục tiêu và kế hoạch mới cho khu vực Đông Á theo các cam kết toàn cầu về mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hiện nay, biển Đông Á chiếm khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới lưu thông trên tuyến hàng hải nối với châu Âu. Trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang dần cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội, nhiều quốc gia đang hướng ra biển để tìm kiểm, khai thác các tài nguyên, bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm…

“Với mong muốn chia sẻ những bài học kinh nghiệm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý biển và hải đảo, chúng tôi đề nghị các bạn cùng chung tay: nỗ lực xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở các vùng biển Đông Á; Tăng cường hợp tác toàn diện, sâu rộng về biển, về bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản của biển Đông Á trên bình diện song phương, đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEMSEA, vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, vùng ven biển và hải đảo; Thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế bền vững các biển Đông Á và cam kết quốc tế liên quan tới phát triển bền vững biển, vùng ven biển và hải đảo, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, giải quyết các vấn đề có tính khu vực; Xây dựng nền kinh tế xanh theo tiêu chí đại dương xanh, hành tinh xanh, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển bền vững biển của chúng ta”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ.

Trong thời gian diễn ra Đại hội biển lần này tại Đà Nẵng (từ ngày 16- 21/11), Đại hội lần thứ 5 sẽ có 3 phiên hội nghị toàn thể, 13 hội thảo quốc tế theo 3 nhóm chủ đề “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu”, “Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” và “Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương” với tổng cộng 9 nội dung được thảo luận.

Tin liên quan
Tin khác