Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Giám đốc phụ trách Đông Nam Á của ngân hàng ADB, 6 nước thành viên bao gồm Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc sẽ thảo luận nhiều nội dung lớn liên quan đến việc mở rộng lợi ích các hành lang kinh tế.
Trong đó, có một số nội dung đáng chú ý như kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là mạng lưới đường sắt kết nối các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế của các quốc gia trong khu vực một cách xuyên suốt; thúc đẩy công tác lập kế hoạch mua bán, điều phối và phát triển bền vững môi trường lĩnh vực điện năng khu vực; kế hoạch phát triển các địa phương dọc hành lang kinh tế; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử khu vực; thu hút, huy động đầu tư từ các đối tác phát triển, thành phần kinh tế tư nhân đối với các chương trình, dự án GMS trong tương lai...
Phát biểu khai mạc, ông Souphanh Keomixay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, thời gian qua đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc phát triển các hành lang kinh tế, nhiều sáng kiến quan trọng đã được triển khai đem lại lợi ích cho các quốc gia thành viên. Giờ đây, các quốc gia trong khu vực GMS cần hướng đến phát triển các hành lang kinh tế nhỏ hơn, đi vào sự hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực.
"Điều quan trọng trong khung chiến lược của GMS là thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới, thúc đẩy đầu tư. Đây là mục tiêu của mỗi quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước, tăng sức cạnh tranh của các nước trong khu vực, giúp tối ưu hóa tiềm năng của khu vực. Diễn đàn lần này sẽ mở ra giai đoạn mới trong hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong. Các vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn sẽ giúp gia tăng tính kết nối giữa các quốc gia trong khu vực kể cả về vật lý và phần mềm", ông Keomixay cho biết.