Giá trị M&A tại Việt Nam năm 2021 được dự đoán đạt 4,5-5 tỷ USD. |
Không ít thương vụ M&A đã diễn ra từ đầu năm đến nay nhưng sự thiếu vắng các thương vụ đình đám khiến giá trị thị trường M&A Việt Nam năm 2020 đang bị chậm lại đáng kể so với năm trước.
Theo dự báo của Diễn đàn M&A Việt Nam, năm nay thị trường M&A nội địa chỉ có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
“Tuy nhiên, hoạt động M&A có thể tăng trở lại tư giữa năm 2021, khi kinh tế phục hồi và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn. Quy mô thị trường co thể sớm trở lại mức 5 tỷ USD”, ông Đặng Xuân Minh, thành viên nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A đánh giá.
Bởi, theo các chuyên gia, vẫn có không ít cơ hội và tiềm năng mà Việt Nam có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Đó là cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA; cơ hội từ việc thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, cơ hội từ chuyển đổi số,…
Các Hiệp định thương mại mang lại cả thách thức lẫn cơ hội, trong đó, những giá trị mà nó mang lại là dài hạn.
Thêm vào đó, Việt Nam đang nổi lên là một địa điểm được các tập đoàn doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn để định vị lại chuỗi sản xuất của mình.
Nỗ lực để đón đầu được dòng vốn đang dịch chuyển này bao gồm cả việc xây dựng các gói ưu đãi đầu tư cho từng đối tượng nhà đầu tư, cũng như chuẩn bị các vấn đề về cơ sở hạ tầng, nhân lực,…để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Đây cũng là những nhận định được đồng tình tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” được khai mạc chiều nay tại TP.HCM.
Các khách mời trao đổi bên lề Diễn đàn M&A Việt Nam 2020. |
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho rằng, triển vọng của Việt Nam được đánh giá là rất tích cực nhờ những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh và khả năng tranh thủ thời cơ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển.
Và rõ ràng, những nhà đầu tư tinh tường hoàn toàn không bỏ qua những chuyển động rất đáng chú ý tại thị trường rất giàu tiềm năng này, như việc sửa đổi và ban hành các luật kinh tế quan trọng nhất, những siêu hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, tiến trình tái cấu trúc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của cả khu vực nhà nước và tư nhân…
“Tất cả những chuyển động đó đều hứa hẹn mang lại nhưng cơ hội tuyệt vời cho hoạt động M&A, làm phong phú thêm danh mục mua sắm cho rất nhiều nhà đầu tư đang ẩn mình chỉ chờ điều kiện chín muồi để sẵn sàng chốt thương vụ”, ông Lê Trọng Minh chia sẻ.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư phát biểu khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2020. |
Thực tế, theo thông tin mà Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam nắm được, rất nhiều tổ chức, cá nhân với tư cách là các nhà tư vấn, bên mua và bên bán đều đang trải qua thời gian khá bận rộn để đưa các thương vụ đến điểm chốt, bất chấp những bất tiện nhất định về giao tiếp và gặp gỡ.
Vì vậy, một sự trỗi dậy về quy mô và giá trị thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam dường như đang được rất nhiều người chờ đón trong thời gian tới, chỉ còn chờ một số điều kiện và tiền đề cần thiết.
Kỳ vọng này cũng phù hợp với đánh giá của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, rằng Việt Nam là một trong những điểm sáng hiếm hoi thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research) và Viện nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC Institue) nhận định, giá trị M&A tại Việt Nam năm 2021 sẽ ở quy mô 4,5-5 tỷ USD.
Tuy nhiên, để thị trường đạt một tầm cao mới vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn cũng như các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và doanh nghiệp.
Năm sau Việt Nam cũng tổ chức xong Đại hội Đảng lần XIII và sự khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Giới đầu tư kỳ vọng, sự kiện này sẽ là động lực thúc đẩy tiến trình thoái vốn và cổ phần hoá mạnh mẽ hơn.
Nhóm nghiên cứu nói trên dự tính, chỉ cần Chính phủ quyết liệt đưa ra một vài thương vụ thoái vốn lớn thì mọi dự báo sẽ trở nên lạc hậu và giá trị M&A năm 2021 có thể sẽ ở một mốc khác cao hơn nhiều so với dự đoán.