Chiều 23/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam 2022 lần thứ 14 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM.
Với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, Diễn đàn thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.
Diễn đàn thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam. |
Phát biểu khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 cho biết, chỉ trong vòng 1 năm, chúng ta đã được chứng kiến một bối cảnh thế giới thay đổi hoàn toàn khác. Từ trạng thái "tiền rẻ" tràn ngập trong lưu thông, nhiều nền kinh tế lớn đã và đang phải oằn mình thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt để đối phó với nguy cơ tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, khiến dòng tiền trở nên đắt đỏ.
Nếu năm 2021, dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu đã hồi phục mạnh mẽ về ngưỡng trước đại dịch, các thị trường M&A bùng nổ và những giao dịch xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ thì động lực này được dự báo khó có thể duy trì trong năm nay. Tại Báo cáo Đầu tư Thế giới 2022, UNCTAD cho rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp năm nay có thể đi xuống, trường hợp khá nhất là đi ngang.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 phát biểu khai mạc. |
Tin vui là dù kinh tế thế giới đang trong tình trạng bất ổn và nội tại cũng đang phải đối mặt một số vấn đề khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và thể hiện sức chống chịu khá vững vàng trước các tác động bên ngoài nhờ những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại. Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới.
Đặc biệt, nhu cầu tìm kiếm sức mạnh cộng hưởng và nguồn vốn để tái cấu trúc, tập trung hơn vào các hoạt động cốt lõi đang bộc lộ rõ ở nhiều doanh nghiệp trong nước mà chỉ thông qua hoạt động M&A mới có thể đáp ứng. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có xu hướng theo đuổi các chuẩn mực cao về môi trường, xã hội và quản trị là điều rất hợp “khẩu vị” chung hiện nay của các nhà đầu tư quốc tế…
Đồng thời, các số liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có hàng trăm tỷ đô la Mỹ vẫn đang chực chờ trong các quỹ đầu tư tư nhân trên thế giới, sẵn sàng giải ngân khi có cơ hội vào nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang thể hiện tính hấp dẫn cao.
“Dù còn nhiều ẩn số cần giải đáp, nhưng khả năng phục hồi và tăng tốc trở lại với thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới vẫn khá rõ ràng. Là một trong những tâm điểm đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư quốc tế, thị trường M&A Việt Nam được chờ đợi để “Kích hoạt những cơ hội mới” như chủ đề mà Diễn đàn M&A năm nay đặt ra”, Tổng biên tập Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
****
Tại Diễn đàn này, Ban tổ chức vinh danh 10 thương vụ Đầu tư & M&A tiêu biểu năm 2021- 2022; 12 tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu năm 2021- 2022; và Vinh doanh 1 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu năm 2021- 2022. Các thương vị được bình chọn bởi một Hội đồng độc lập trên cơ sở đề cử của các tổ chức và doanh nghiệp.
Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalData, quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn đàn có sự tham gia của 16 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế |
Thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1,05 nghìn tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.
Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A ở Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020 - 2021. Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).
Tuy nhiên, tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên “hot” nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Các gian hàng trưng bày đang giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới khách tham dự |
Nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, nhưng không có nghĩa là tất cả các nền kinh tế khác cũng vậy. Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, nhưng vẫn có điểm sáng thuộc các nước Vùng Vịnh, khi khu vực này đang tận hưởng thu nhập cao từ giá dầu, họ đang có rất nhiều tiền và sẵn sàng đầu tư.
Như vậy, thị trường M&A trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” trong thời gian tới. Có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.
Về lĩnh vực, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động. Trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam với vai trò bên mua. Đặc biệt, sẽ có những cơ hội M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khi có nhiều thương vụ đang trong giai đoạn chuẩn bị nhiều năm nay, sắp đi đến giai đoạn chốt vào năm 2023.
Song hành với Diễn đàn, Báo Đầu tư chính thức phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2022”. Đặc san được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong tháng 11/2022, cập nhật đầy đủ thông tin về hoạt động M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm về M&A từ các thương vụ và những xu hướng, lĩnh vực mới trong thời gian tới. |
Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Theo một báo cáo năm 2022 của Bain & Company, các quỹ đầu tư tư nhân vào châu Á đang ở mức cao kỷ lục là 650 tỷ USD.
Tại Việt Nam, PE Fund và Venture Capital vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và nợ xấu. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Thị trường IPO ở khu vực Đông Nam Á cũng đang được kỳ vọng với tương lai sáng sủa hơn vào năm 2023. Mặc dù định giá hiện tại có thể thấp hơn đối với các công ty công nghệ, nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và khả năng chứng minh lợi nhuận sẽ vẫn có thể đạt được định giá thị trường tốt nhất và hưởng lợi từ thị trường vốn toàn cầu.
Những dấu hiệu trên cho thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Với sự điều phối của ông Seck Yee Chung, Luật sư hợp danh, Công ty Luật Baker & McKenzie, các diễn giả sẽ tập trung phân tích những biến động tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… đang và sẽ ảnh hưởng thế nào đến xu hướng M&A vào các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng?; Nguồn tiền tài trợ cho các thương vụ sẽ tới từ đâu trong bối cảnh dòng tiền cả quốc tế và trong nước đều đang có những biến động lớn, hệ quả của chính sách thắt chặt từ nhiều ngân hàng trung ương. Liệu các quỹ đầu tư tư nhân trên toàn cầu với hơn 2.000 tỷ USD đang nắm trong tay, theo ước tính của PwC, có đang đặt các cơ hội M&A tại Việt Nam vào tầm ngắm?; Trong thị trường đầy biến động, đâu là những ngành sẽ có nhiều hoạt động M&A sôi động và cách tiếp cận trong phương thức thực hiện các giao dịch liệu sẽ có nhiều thay đổi?...
Phiên I có sự xuất hiện của các diễn giả: ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhâp xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam; Ông Dominic Scriven, OBE, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Dragon Capital Group; Ông Kazuhiko Yoshimatsu, Tổng giám đốc kiêm Trưởng đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (Singapore); Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia; Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam; Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ASL; Ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật VILAF.
Dưới sự điều phối của ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, các diễn giả sẽ tập trung phân tích đâu sẽ là những giá trị mới được tạo ra từ các thương vụ M&A trong bối cảnh mới hiện nay và những yếu tố nào sẽ quyết định những giá trị mới đó? Những xu hướng và giá trị cộng hưởng chính nào sẽ được chú trọng trong các thương vụ M&A tới đây? Các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị những gì để bắt kịp xu hướng đó?; Kinh nghiệm vượt qua những khó khăn, rào cản khi thực hiện thương vụ M&A và cùng nhau thiết lập các giá trị mới.
Phiên II có sự xuất hiện của các diễn giả, chuyên gia như: Ông Bennett Neo, Tổng giám đốc SABECO; Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính, Tập đoàn Lộc Trời; Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam; Bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà Sáng Lập & Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn Thương vụ ASART; Ông William Do, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hobbit Investment; Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh, Công ty Gamuda Land (HCMC); Ông Trương An Dương, Tổng giám đốc Khối bất động sản nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam