Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chào mừng Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2015. Ảnh: Lê Toàn |
Chủ đề chính của Diễn đàn năm nay là “Chờ đón sự bùng nổ - Countdown to the Next Market Boom”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định: “Diễn đàn M&A 2015 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam dù bị tác động không nhỏ của tình hình thế giới và khu vực, cũng như những yếu tố nội tại – nhưng đang trên đà phục hồi kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, mặt bằng lãi suất giảm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang được đẩy nhanh và mang lại những kết quả tích cực”.
Chia sẻ về Diễn đàn, TS.Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức, khẳng định: Hoạt động M&A đang đứng những cơ hội được mở ra từ việc nâng cao tốc độ tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH đất nước dựa trên cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới qua việc ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn, cũng như việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Trong dòng chảy của những yếu tố kích cầu đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang coi Việt Nam là thị trường hoàn hảo để họ nắm cơ hội và khai thác. Các đơn vị môi giới, tư vấn đang nhìn thấy một lượng khách hàng dư thừa tiền mặt và sẵn sàng rót vốn để chốt thương vụ sớm nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam, nếu họ tìm thấy các đối tác đáp ứng tiêu chí.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2015. Ảnh: Lê Toàn |
Với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ”, Diễn đàn M&A 2015 mang tinh thần lạc quan rằng sẽ có dòng vốn mới chảy vào thị trường M&A Việt Nam, với tổng giá trị dự báo lên tới 20 tỷ USD trong giai đoạn 2014 – 2018. Riêng năm 2014, theo thống kê chưa đầy đủ của nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A (MAF), giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 4,2 tỷ USD.
Tiềm năng và cơ hội M&A tại Việt Nam đã có, nhưng nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra, thu hút sự quan tâm của cả các nhà đầu tư, lẫn các cơ quan hoạch định chính sách như:
- Thị trường M&A Việt Nam sẽ như thế nào trong một không gian phát triển mới trên nền tảng thực thi các chính sách mới và mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới?
- Cần những chính sách gì tiếp theo, những rào cản gì cần phải tiếp tục được gỡ bỏ để các chính sách mới được thực thi nhằm tạo động lực thúc đẩy hoạt động mua bán doanh nghiệp cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần… trong thời gian tới?
- Liệu có một dòng vốn mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, châu Âu đầu tư vào Việt Nam thông qua các hoạt động M&A trong thời gian tới?
- Đâu là những hàng hóa chất lượng cho các nhà đầu tư quốc tế khi Việt Nam nới rộng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và mạnh dạn thoái vốn tại những ngành mới như cảng biển, cảng hàng không?
- Làm thế nào để thu hút vốn, sử dụng tối ưu nguồn lực cho các thương vụ M&A mới?
Những câu hỏi lớn trên sẽ được lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về M&A cùng các doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ thông tin thông qua 3 phiên thảo luận chính: Đối thoại chính sách, Triển vọng các dòng vốn mới và Kinh nghiệm M&A.
Ngoài chương trình Hội thảo, Chương trình Kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được tổ chức vào sáng nay. Đây là không gian để các bên mua và bán hoặc có nhu cầu tìm kiếm đối tác gặp gỡ, chia sẻ thông tin và bàn thảo các cơ hội hợp tác. Chương trình có sự tham gia của gần 100 đại diện đến từ các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Chương trình Kết nối đầu tư trong khuôn khổ diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 100 đại diện đến từ các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Toàn |
Ngoài ra, một hoạt động thường niên của Diễn đàn M&A cũng sẽ tiếp tục được Ban tổ chức triển khai trong năm nay là Chương trình Bình chọn và Trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2014- 2015). Việc bình chọn sẽ giúp các doanh nghiệp, giới đầu tư đánh giá và nhìn lại sự phát triển về quy mô và tính chất của hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp và thương vụ tốt nhất trong năm. Chương trình bình chọn năm nay nhận được sự quan tâm của giới đầu tư với gần 100 đề cử cho các hạng mục: Thương vụ sáp nhập- hợp nhất tiêu biểu, Thương vụ mua lại tiêu biểu, Thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS tiêu biểu, Thương vụ IPO và phát hành riêng lẻ tiêu biểu & Các đơn vị tư vấn M&A tiêu biểu.
Bên cạnh những hoạt động chính nêu trên, Diễn đàn M&A 2015 sẽ phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam - Vietnam M&A Outlook 2015”. Đây là ấn phẩm thường niên được Báo Đầu tư chủ trì xuất bản trong khuôn khổ của Diễn đàn M&A hàng năm.
Được biết, Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. ASEAN không chỉ trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ nhờ tầng lớp trung lưu tăng mạnh mà các nhà đầu tư nước ngoài còn ưa thích thị trường lao động giá rẻ và trẻ tuổi ở các nước đang phát triển như Campuchia, Indonesia, Việt Nam. Đặc biệt, năm 2015 là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Nếu thành công, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người.