Bàn về tổ chức, bộ máy và đổi mới phương thức lãnh đạo
Ngày 28/11/2016, Ban bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; đồng thời các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng... được yêu cầu tiến hành tổng kết đánh giá nghị quyết, văn bản pháp luật về nội dung liên quan.
Ban chỉ đạo nêu rõ, quá trình tổng kết phải được tiến hành từ cơ sở đến Trung ương, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, phân tích sâu sắc".
Qua tổng kết, các đơn vị đề xuất với Trung ương những nhiệm vụ, giải pháp cần thiết; tập trung làm rõ nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; nêu định hướng đổi mới tổ chức bộ máy trong thời gian tới.
Yêu cầu báo cáo về tổ chức bộ máy và tình hình chi ngân sách
Ngoài việc tổng kết và báo cáo chung của các đơn vị, Ban chỉ đạo còn đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương tổng kết các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; và về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động hệ thống chính trị.
Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính tổng hợp tình hình tổ chức bộ máy, số lượng công chức, viên chức, người lao động các đơn vị liên quan; tình hình chi ngân sách thường xuyên cho các tổ chức trong hệ thống chính trị (lương, phụ cấp, chi hoạt động của bộ máy…).
Với Ban cán sự đảng bộ, cơ quan ngang bộ, Ban chỉ đạo gợi ý nêu đề xuất xung quanh năm nhóm vấn đề. Đầu tiên, về đổi mới nội dung, phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng, đảng viên đối với cấp này.
Tiếp đó là chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức trong lĩnh vực quản lý; tổ chức lại mô hình ban cán sự đảng và đảng ủy cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ bảo đảm lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt, có hiệu quả; đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công thuộc bộ.
Với Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban chỉ đạo gợi ý báo cáo những nội dung như các ban cán sự đảng bộ, cơ quan ngang bộ; đồng thời, báo cáo sâu thêm một số nội dung khác, trong đó có việc bảo đảm cơ chế lãnh đạo và chấp hành sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an...
Ban chỉ đạo cũng gợi ý đánh giá thực trạng về hệ thống tổ chức đảng, tổ chức quần chúng và kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy trong lực lượng vũ trang; sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với các cấp ủy quân đội và cấp ủy công an địa phương; về công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp trực thuộc và việc thực hiện chủ trương một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý (Nghị quyết số 17 ngày 1/8/2007).
Ngoài các nội dung nêu trên, theo thông lệ, tại Hội nghị vào tháng 10 hàng năm, Ban chấp hành Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm nay và dự kiến kế hoạch phát triển năm tới.