Thời sự
Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Xem xét, thông qua những quyết sách lớn
Hà Nguyễn - 23/10/2017 07:44
Hôm nay (23/10), Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc. Dư luận đang trông chờ những quyết sách lớn sẽ được xem xét, cho ý kiến, cũng như thông qua tại kỳ họp này.

Dư luận trông đợi, bởi theo thông lệ ở những kỳ họp cuối năm, một trong những nội dung quan trọng sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận và bấm nút quyết nghị là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm sau. Năm 2018 là năm có ý nghĩa bản lề cho việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020). Do vậy, việc đặt mục tiêu kế hoạch năm tới thế nào, thực hiện ra sao sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm, cũng như Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 – 2020).

Cũng bởi tầm quan trọng như vậy, mà Kỳ họp thứ tư sẽ dành hẳn 2,5 ngày để các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.   

Kéo dài thời gian thảo luận, các đại biểu Quốc hội không chỉ có thêm điều kiện để cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, mà còn có cơ hội lắng nghe nhiều hơn, hiểu rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, những thách thức của nền kinh tế.

.

Thảo luận kỹ các vấn đề quan trọng, các đại biểu Quốc hội sẽ có những quyết định chuẩn xác hơn khi bấm nút thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Thực ra, việc thảo luận về tình hình - kinh tế xã hội, thậm chí cả chuyện xem xét, cho ý kiến, thông qua các dự luật đều là “thường kỳ”, bởi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội. Song nhìn vào chương trình dự kiến, với kế hoạch sẽ thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự luật khác, thì Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV thực sự là kỳ họp của những quyết sách quan trọng.

Một ví dụ dễ thấy nhất, đó là Quốc hội lần này sẽ xem xét thông qua Luật Quy hoạch, một dự luật được cho là vô cùng quan trọng đối với việc đổi mới công tác làm quy hoạch của Việt Nam. Thậm chí, không chỉ đơn thuần là đổi mới công tác làm quy hoạch, rất nhiều quan điểm, cả của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã khẳng định rằng, nếu Luật Quy hoạch không sớm được thông qua, thì sẽ lỡ một cơ hội phát triển cho đất nước.

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cũng vậy. Trong bối cảnh nợ công tiến gần ngưỡng an toàn 65% GDP, thì việc thông qua dự luật này sẽ góp phần quan trọng xử lý một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của nền kinh tế - nợ công. Một khi nợ công được kiểm soát, các khoản vay trong và ngoài nước được sử dụng an toàn và hiệu quả, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo, thì đó là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn sau.

Và hẳn nhiên, không thể không nhắc đến một dự luật quan trọng khác - Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy đây mới là lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội cho ý kiến và phải tới Kỳ họp thứ 5 mới được xem xét, thông qua, song Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một dự luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển 3 đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt (gồm Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong) và là minh chứng cho bước đột phá trong tư duy phát triển đất nước.

Với dự luật này, sau 15 năm kể từ lần đầu tiên được đề cập, “cửa” đã thực sự mở cho các đặc khu. Từ đây, đất nước sẽ có thêm cực tăng trưởng mới, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế trong nước đã tới hạn.

Chưa kể, tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số dự án quan trọng của đất nước, như Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông…

Toàn những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh của đất nước, của nền kinh tế trong giai đoạn tới đây. Bởi vậy, dư luận xã hội đang trông chờ, tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và sự công tâm của các đại biểu Quốc hội.

Tin liên quan
Tin khác