Thời sự
Khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nguyễn - 21/05/2018 07:41
Hôm nay, 21/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc. Quốc hội sẽ xem xét đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ. Theo đánh giá mới nhất, có 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và có 1 chỉ tiêu đã không đạt kế hoạch đề ra, thấp hơn con số báo cáo vào cuối năm 2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay mặt Chính phủ, vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Đáng chú ý, trong báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 được thông qua, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội vào cuối năm trước.

Cụ thể, gồm tốc độ tăng trưởng GDP - đạt 6,81% (số đã báo cáo là 6,7%), tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân - 3,53% (số đã báo cáo là khoảng 4%) và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%, riêng các huyện nghèo giảm 5% (số báo cáo lần lượt là 1-1,5% và 4%).

Tuy nhiên, lại có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP. Cụ thể, mục tiêu này chỉ đạt 0,5%, trong khi mục tiêu kế hoạch là 1,5% và con số đã báo cáo cũng là 1,5%.

Nguyên nhân được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất.

Thêm nữa, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau chu trình đổi mới công nghệ và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng đầu tiên (thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015), những năm đầu sau chu trình khả năng tiết kiệm thường đạt kết quả cao, tuy nhiên những năm kế tiếp tốc độ giảm cường độ năng lượng sẽ chậm dần.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, theo Nghị quyết số 48/2017/QH14 ngày 10/11/2017 của Quốc hội, thì kể kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hằng năm, mà chuyển sang đặt mục tiêu và đánh giá chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm.

Cách đánh giá dài hơi này sẽ cho ra kết quả tổng thể và chính xác hơn về việc giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP.

Như vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV (tháng 10/2017), có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, 4/13 chỉ tiêu không thay đổi và 2/13 chỉ tiêu đạt thấp hơn số ước tính đã báo cáo Quốc hội.

Ngoài chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP, thì chủ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP cũng thấp hơn so với con số ước tính đã báo cáo.

Cuối năm ngoái, khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33,42% GDP, nhưng con số chính thức cuối cùng là 33,3%.

Mặc dù vậy, đánh giá một cách tổng thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2017 đã phát triển tích cực. Đặc biệt, tăng trưởng GDP đã đạt 6,81%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, các ngành, lĩnh vực phát triển đồng đều.

Các đánh giá bổ sung cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội 2017, cũng như kế hoạch 2018 sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV vào sáng nay - 21/5, ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

* Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 dự kiến kéo dài trong 20 ngày.

* Theo thông lệ, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng luật và hoạt động giám sát tối cao (60% thời lượng). Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 12 ngày xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi)...

Các dự án luật khác được cho ý kiến gồm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục...
* Các phiên chất vấn tại kỳ họp này áp dụng phương thức 1 - 3. Đại biểu nêu nội dung chất vấn trong 1 phút, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trong 3 phút. Cứ sau 3 người hỏi thì người được chất vấn sẽ trả lời.

Tin liên quan
Tin khác