Thời sự
Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Làm công tác nhân sự từ ngày đầu tiên
Nguyễn Lê - 20/07/2021 06:30
8h sáng nay (20/7) Quốc hội khoá XV khai mạc kỳ họp thứ Nhất, trong điều kiện phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ mới.
Phiên họp trù bị kỳ họp thứ nhất (chiều 19/7) của Quốc hội khoá XV.

Trước đó, trong cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội, sau đó, chỉ có 499 vị được xác nhận có đủ tư cách đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, kỳ họp này cũng không có đủ 499 vị đại biểu, vì một số vị đang là F1 được phép vắng mặt. Một số vị khác, như Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xin vắng họp Quốc hội để ở lại chống dịch.

Rút ngắn 5 ngày so với dự kiến ban đầu, một số nội dung của kỳ họp cũng được Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép rút để tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Đó là Dự thảo Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Với kỳ họp thứ nhất, bầu và phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước là công việc rất quan trọng. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn 50 chức danh theo quy định của pháp luật. Quốc hội kiện toàn tất cả các chức danh, Chính phủ sẽ giảm đi một Phó Thủ tướng so với nhiệm kỳ này, từ 5 người xuống còn 4 người. Khối tư pháp cũng sẽ được kiện toàn.

Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua tại phiên trù bị, ngay trong ngày 20/7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức trong chiều nay, 20/7. 

Quy trình kiện toàn các chức danh khác sẽ được tiến hành xen kẽ với các nội dung khác của kỳ họp và 26/7 là ngày đặc biệt khi cả Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án Toà án nhân dân Tối cao lần lượt tuyên thệ nhâm chức. 

Ngoài công tác nhân sự, các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư công, nợ công cũng là những nội dung lớn, cần được quyết định ngay nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tạo khung nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chuẩn bị chu đáo nhất để hoàn thành mọi công việc của kỳ họp đầu tiên, đó là chia sẻ của cả đại biểu tái cử và đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội, trước thềm phiên khai mạc kỳ họp thứ nhẩt.

Tuy nhiên, lo lắng là điều không tránh khỏi. Bởi có những vị trí công việc rất đặc thù, có những vị đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia Quốc hội nhưng đã nhiều năm làm công tác tham mưu, phục vụ tại Văn phòng Quốc hội nên vẫn phải đảm đương nhiệm vụ này cho đến khi được phân công nhiệm vụ mới.

Công việc chưa bao giờ "ngập đầu" đến thế. Ngay sau khi kiện toàn các Ủy ban sẽ cấp tốc họp toàn thể. Bên cạnh nhân sự thì các nội dung về kinh tế xã hội, các kế hoạch 5 năm đều có bố trí thảo luận tổ, nghĩa là phải cử người đi ghi biên bản ở tất cả các tổ, rồi tổng hợp báo cáo ý kiến đại biểu, làm báo cáo giải trình, tiếp thu. Trong khi đó, vì rút ngắn 5 ngày nên có nội dung thời gian từ khi Quốc hội thảo luận ở hội trường cho  đến khi bấm nút thông qua chỉ có 1 ngày, một vị đại biểu mới chia sẻ.

Trước thềm kỳ họp, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi kiến nghị, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội khóa XV đề cao trách nhiệm, cố gắng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động và lời hứa với cử tri trong quá trình vận động bầu cử.

Các vị đại biểu nhiệm kỳ mới còn nhận được đề nghị tích cực nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng hoạt động đại biểu, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó "máu thịt" với Nhân dân; nỗ lực hành động theo phương châm: tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh, trước hết, tại kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm, đóng góp ý kiến xây dựng và thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 05 năm 2021-2025 và các chương trình xây dựng pháp luật, giám sát của Quốc hội, các nghị quyết về công tác nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao, khí thế mới cho cả một nhiệm kỳ.

Tin liên quan
Tin khác