Sáng ngày 10/10, đúng dịp 69 năm kỷ niệm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2023), tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), triển lãm tranh màu nước “Chút tình gửi phố” của họa sĩ Hoàng Phong phối hợp cùng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức đã chính thức khai mạc.
Triển lãm "Chú tình gửi phố" khai mạc sáng 10/10 và sẽ mở cửa tự do phục vụ khách tham quan đến hết 29/10. |
Triển lãm sẽ mở cửa tự do phục vụ khách tham quan đến hết 29/10. Giờ mở cửa hàng ngày từ 8 giờ đến 17 giờ, riêng cuối tuần mở cửa đến 21 giờ.
Chia sẻ tại buổi khai mạc, ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói: “Hà Nội đang bước vào những ngày Thu đẹp nhất và cũng là thời điểm khiến nhiều người yêu Thủ đô nhớ nhung nhất trong năm. Thu Hà Nội có lẽ vì thế luôn tạo nên những xúc cảm khó gọi tên trong lòng mỗi người và là nguồn cảm hứng bất tận trong lòng người làm nghệ thuật.
Và mùa Thu, cũng là thời điểm nhen nhóm trong lòng người họa sỹ Sài Gòn, Hoàng Phong một tình yêu đặc biệt dành cho Thủ đô. Đến với không gian triển lãm, những người thưởng tranh sẽ được dịp chiêm ngưỡng những “góp nhặt” đồ sộ của họa sĩ trẻ về những hình ảnh tưởng chừng quá đỗi thân quen của Hà Nội, nhưng thật lâu rồi mỗi chúng ta không được lặng yên nhìn ngắm”.
Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại sự kiện. |
Giới thiệu đến công chúng 54 bức tranh trong bộ 100 tác phẩm tranh màu nước về Hà Nội của họa sĩ trẻ Hoàng Phong, không gian triển lãm được chia làm 2 khu vực trưng bày chính tại tầng 1 và tầng 2 của Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm.
Trong mỗi không gian trưng bày, người thưởng lãm tranh lại được dịp sống lại với những ký về một Hà Nội xưa mà mình từng sống, từng đi qua và từng gắn bó. Một Hà Nội hào hoa và đầy chất thơ với vẻ đẹp của thiên nhiên bốn mùa cùng những công trình kiến trúc, di sản văn hóa đặc sắc và con người nồng hậu vốn khiến cả những người khô khan nhất cũng muốn yêu, muốn say mê và cất lên thành thơ, thành nhạc.
Họa sĩ Hoàng Phong, một người con Sài Gòn nhưng lại mang tình yêu da diết với mảnh đất cách nơi mình sinh ra và lớn lên gần 2.000km, dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã sở hữu rất nhiều những bức họa đẹp về Hà Nội xưa và tạo được dấu ấn cá nhân riêng biệt bằng chất liệu màu nước.
Từ cuối năm 2017, họa sĩ Hoàng Phong bắt đầu vẽ tranh về Hà Nội. |
“Trước đây, mình không nghĩ tới việc sẽ đặt chân lên đất Bắc. Mãi đến tầm cuối năm 2017, mình mới có dịp ra Hà Nội. Từ đó, Hà Nội đã hớp hồn người con phương Nam. Tình yêu mình dành cho Hà Nội không đến từ cái nhìn của người khác hay qua thơ văn, nó xuất phát từ cảm xúc đậm chất chủ quan. Mình yêu những buổi sáng tinh mơ hoặc thời điểm sau mười giờ đêm, phố phường Hà Nội khi đó thật tĩnh lặng và thanh bình”, họa sĩ Hoàng Phong chia sẻ.
Đến với triển lãm, những người yêu tranh đã phải trầm trồ trước những “góp nhặt” ấn tượng về Hà Nội xưa của người họa sĩ phương Nam. Mùa thu Hà Nội với những xe hoa đẹp nao lòng, góc phố Hàng Mã rộn ràng ngày giáp Tết, Nhà hát Lớn Hà Nội đậm chất trữ tình một ngày đông giá buốt, con phố Châu Long trong nắng vàng hanh hao hay những căn biệt thự cổ, công trình kiến trúc thời Pháp quen thuộc... hiện lên thật sắc nét trong từng khu vực trưng bày tranh.
Đâu đó, người xem còn bắt gặp cả những nhịp sống rất đời, rất Hà Nội, bên những gánh hàng rong, quán trà đá vỉa hè, cảnh lễ chùa an yên hay mua sắm nhộn nhịp những ngày lễ, Tết…
Ca sĩ Tùng Dương (bìa phải) chúc mừng họa sĩ Hoàng Phong. |
Chị Hoài An, một người Thủ đô đam mê nghệ thuật đến với triển lãm chia sẻ, chị bất ngờ trước một Hà Nội vô cùng thân thuộc nhưng không kém phần mới mẻ. "Hình ảnh Hà Nội từ góc phố nhỏ đến những công trình, kiến trúc đặc trưng của Hà Nội thể hiện thật sinh động qua những nét cọ của họa sĩ. Triển lãm như một tour du lịch nhỏ qua 36 phố phường Hà Nội vậy. Thật vui vì có một triển lãm ý nghĩa về Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô".
Những tác phẩm hội họa của họa sĩ Hoàng Phong không chỉ chinh phục cảm xúc những người thưởng tranh bằng tài năng, mà còn bởi tình yêu Hà Nội thấm đẫm trong từng nét cọ phóng khoáng mà đầy biểu cảm, khiến người xem ngẩn ngơ, say đắm và xao xuyến khi được lạc giữa một không gian Hà Nội xưa đẹp đến nao lòng.
Một trong những điểm khác biệt thú vị tại triển lãm “Chút tình gửi phố” là người xem tranh sẽ không thấy một cái tên hay đoạn mô tả nào cho những bức tranh. Phong hiểu, bất cứ ai yêu Hà Nội đều có một tình yêu, một cách nhìn, một câu chuyện riêng của họ với thủ đô. Tự nó sẽ kể câu chuyện đồng điệu với câu chuyện trong mỗi bức tranh của anh, và rồi tạo nên nguồn cảm hứng mới cho họa sĩ, để anh tiếp tục sáng tác và nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội.
Người thưởng lãm tranh bất ngờ trước một Hà Nội thân thuộc nhưng không kém phần mới mẻ. |
“Được dùng cái nhìn của một người con miền Nam để phác hoạ lại, lưu giữ cái tình trong từng góc phố và gói ghém toàn bộ tình cảm gửi cho thủ đô đúng ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô là niềm vinh hạnh và dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp làm họa sĩ của tôi”, anh xúc động chia sẻ tại khai mạc triển lãm đầu tiên của mình tại Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, Hoàng Phong (sinh năm 1987) đã gắn bó với nghề họa sĩ tự do được hơn 10 năm. Là hội viên của Hội Mỹ thuật TP. HCM và là thành viên của Hiệp hội Màu nước quốc tế (IWS), anh tâm niệm, chính trải nghiệm sống là chìa khóa tạo nên thành công cho các tác phẩm của mình.
Trước khi chuyển hẳn sang vẽ tranh màu nước, họa sĩ Hoàng Phong từng thể nghiệm vẽ tranh sơn mài và tranh sơn dầu. Anh lựa chọn vẽ toàn bộ các tác phẩm bằng màu nước trên nền giấy Arches của Pháp, bởi màu nước nhanh khô và giữ độ bền nhất hiện nay. Tuy nhiên đây cũng là chất liệu vẽ “bút sa gà chết”, vì vậy mỗi tác phẩm thường được anh thực hiện trong từ một tuần đến vài tháng, lâu nhất vẫn là thời gian tính toán cách đi màu tranh.
Triển lãm “Chút tình gửi phố” thu hút đông đảo người dân, du khách ngay trong ngày đầu khai mạc. |
Gửi tình yêu Hà Nội vào những bức vẽ, Phong kỳ vọng “Chút tình gửi phố” sẽ giúp anh kết nối với cộng đồng những người yêu nghệ thuật màu nước cũng như yêu Hà Nội.
Hoạ sĩ Sài thành cũng mong muốn được gìn giữ tình yêu này, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cho cả mai sau.
“Tôi xin gửi lại vẻ đẹp của Hà Nội ở thời điểm này, để những người yêu thành phố sau này vẫn thấy được dáng vẻ những kiến trúc Pháp, những khu chợ Tết, gánh hàng rong thân quen”, Hoàng Phong chia sẻ.