VOBF 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức có quy mô toàn quốc, sẽ được tổ chức hàng năm vào tháng 2 tại 2 Trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh |
VOBF 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức có quy mô toàn quốc, sẽ được tổ chức hàng năm vào tháng 2 tại 2 Trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, vốn là nơi quy tụ cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Đây cũng là sự kiện có quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay về thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 3/3/2017, Diễn đàn sẽ được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.
Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những xu hướng kinh doanh trực tuyến mới, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo.
VOBF 2017 tập trung thảo luận 5 vấn đề chính:, bao gồm: Quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường trực tuyến, cơ hội và thách thức; Tác động toàn diện của công nghệ đám mây và di động tới thương mại điện tử; Cơ hội tăng trưởng cao nhờ bán hàng đa kênh với các nhà bán lẻ; Tiềm năng to lớn của thị trường xuất nhập khẩu trực tuyến và rủi ro khi doanh nghiệp Việt thua trên sân nhà; Khởi nghiệp trong kinh doanh trực tuyến, những yếu tố tương đồng khác biệt với khởi nghiệp trong lĩnh vực khác.
Diễn đàn giới thiệu những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử trên thế giới cũng như tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam VOBF 2017 thu hút sự tham gia của các chuyên gia uy tín đến từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu liên quan đến kinh doanh trực tuyến như Google, Facebook,...
Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nổi trội hiện nay như VinaLink, Bizweb, Cốc Cốc… cũng sẽ chia sẻ về xu hướng bán hàng đa kênh và thương mại điện tử qua biên giới về những cơ hội và rủi ro kinh doanh, những đặc thù khi khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Đại diện của Nielsen đưa ra những con số cho thấy sự hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Hiện tại Việt Nam có dân số 91 triệu người. 45% dân số đã tiếp cận internet. Con số này tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh còn cao hơn rất nhiều. 28% người sử dụng Internet đã tiếp cận thương mại điện tử. Trung bình mỗi người Vsử dụng Internet chi 160 USD cho thương mại điện tử/ năm.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam có thể cao hơn nhiều con số mà các đơn vị nghiên cứu đưa ra.
“Tăng trưởng có thể lên đến 30-50%/năm. Trong 5 năm tới, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD”, ông Tuyến nói.
Theo thống kê, doanh số thương mại điện tử bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2016 đã đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.