Năm 2023, khai thác dầu khí đạt nhiều thành tích, nhưng cũng xuất hiện những thách thức trong giai đoạn tới |
Khép lại một năm nhiều thắng lợi
Năm 2023, ngành dầu khí lại có niềm vui với 2 phát hiện mới từ giếng khoan Hà Mã Vàng (Lô 16-2) và giếng khoan Bunga Lavatera-1 (Lô PM3-CAA).
Các doanh nghiệp khai thác dầu khí tiếp tục gặt hái được những thành tích vượt bậc, đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của Petrovietnam.
Cụ thể, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) đã đạt tổng doanh thu khoảng 54.200 tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế khoảng 19.500 tỷ đồng, vượt 86% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 28.300 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, hệ số bù trữ lượng của Vietsovpetro đạt 1,39 lần, đảm bảo phát triển cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
Tại Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), việc về đích chỉ tiêu sản lượng với dầu trước kế hoạch 41 ngày và sản lượng khí sớm hơn 65 ngày khiến các chỉ tiêu tài chính rất thuận lợi.
Cụ thể, tổng doanh thu của PVEP đạt 41.500 tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 11.600 tỷ đồng, vượt 2,4 lần kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 18.100 tỷ đồng, vượt 59% kế hoạch năm.
Ở Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), sản lượng khí đạt 100% kế hoạch, sản lượng khai thác khí ngưng tụ (condensate) hoàn thành trước kế hoạch tới 120 ngày. Cộng thêm việc đơn giá khí và condensate trung bình cho cả năm 2023 là 4,96 USD/mmBtu và 85 USD/thùng, cao hơn so với đơn giá kế hoạch là 4,84 USD/mmBtu và 75 USD/thùng, cũng đem lại những thành công lớn.
Tổng doanh thu của BIENDONG POC đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 6.300 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước ước khoảng 4.600 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch năm.
Liên doanh Rusvietpetro (RVP) năm 2023 cũng có sản lượng khai thác dầu 3 triệu tấn, trong đó phần của phía Việt Nam chiếm 49%, nên cổ tức nộp về Petrovietnam vào khoảng 60 triệu USD.
Cũng tính đến ngày 30/11/2023, tổng số tiền chuyển ra nước ngoài để góp vốn vào RVP theo hình thức góp vốn điều lệ và ký hợp đồng nhận nợ là 533,22 triệu USD; tổng số tiền chuyển về nước từ cổ tức được chia, thu hồi nợ gốc và lãi theo các hợp đồng nhận nợ là 1,389 tỷ USD. Như vậy, phía Việt Nam đã có lợi nhuận 855,78 triệu USD.
Ở mảng khí, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 11.600 tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ - PVGas đạt 14.200 tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước trên 6.200 tỷ đồng, vượt 59% kế hoạch năm.
Nhận diện thách thức thời gian tới
Trong năm 2023, ngành dầu khí lặp lại việc có 2 phát hiện dầu khí mới, giống như năm 2018. Các năm 2019, 2020, 2021 đều chỉ có 1 phát hiện dầu khí mới, riêng năm 2022 không có phát hiện nào.
Việc không có nhiều phát hiện dầu khí mới cũng đặt ra những thách thức mà Petrovietnam phải đương đầu khi khai thác dầu khí vẫn là lĩnh vực đầu tiên và chính yếu của Tập đoàn.
Báo cáo tổng kết năm 2023, Petrovietnam đã nêu những thách thức mà ngành phải đối mặt trong hoạt động khai thác dầu khí. Đó là các mỏ dầu khí lớn ở khu vực truyền thống đã qua thời kỳ khai thác ổn định và đang trên đà suy giảm sản lượng tự nhiên; các lô/mỏ nhận lại từ nhà thầu nước ngoài (Lô 01/97 & 02/97 và Lô 01/17 & 02/17) vẫn chưa có cơ chế điều hành.
Nếu đầu tư cho tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng ở trong nước gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư, thì việc tìm kiếm, triển khai các dự án dầu khí tốt ở nước ngoài cũng ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, có những đề xuất từ năm 2021 - 2022 về đầu tư khoan đan dày, khoan cắt thân, tái hoàn thiện giếng, phê duyệt bắn vỉa và đưa vào khai thác các vỉa, phụ vỉa mới tại một số lô/mỏ dầu khí cũng chưa được chấp thuận, dẫn đến không gia tăng được sản lượng khai thác từ các lô này.
Cũng bởi các năm qua do không ký thêm được hợp đồng dầu khí nên số lượng giếng khoan tìm kiếm thăm dò và thẩm lượng chỉ đạt 1/2 yêu cầu.
Việc gia tăng trữ lượng bù cho trữ lượng đã khai thác vì thế cũng không đạt như mong muốn và không đưa được các mỏ mới vào khai thác.
Câu chuyện không được phép trích lập quỹ tìm kiếm thăm dò cũng khiến Petrovietnam lo ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lĩnh vực cốt lõi (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí) của Tập đoàn.
Đánh giá của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí cũng cho hay, năm 2024, thị trường sẽ có những khó khăn mới như nhu cầu tiêu thụ khí thấp, không ổn định tại các dự án lớn như Lô PM3CAA, Lô 15-1; giàn khoan, phương tiện nổi khan hiếm, giá cao.
Đáng chú ý là các dự án thăm dò khó triển khai do không còn nguồn kết dư quỹ tìm kiếm thăm dò của Tập đoàn, tiềm năng dầu khí còn nhiều rủi ro; chuỗi cung ứng dịch vụ đang trên đà tăng giá. Việc phát triển dự án mới, cũng như tìm ra các mỏ mới hạn chế và cơ hội thấp.
Năm 2023, hệ số bù trữ lượng dầu khí (giữa gia tăng trữ lượng dầu khí và sản lượng khai thác ở trong nước) đạt 0,81 lần, được cho là mức cao thứ hai kể từ năm 2016 trở lại đây và cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2023 (0,66 lần), nhưng vẫn chưa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn trong những năm tới.
Bên cạnh đó, xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra một cách mạnh mẽ, tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, tiêu thụ các sản phẩm năng lượng truyền thống không thuận lợi.
“Thị trường dầu mỏ tương lai sẽ đối mặt với những thách thức lớn trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch. Điều này có thể dẫn đến nhu cầu dầu mỏ và giá dầu giảm, nhiều biến động khó dự báo. Đơn cử, giá dầu đã biến động mạnh và giảm vào cuối năm, từ 91 USD/thùng hồi tháng 10/2023, xuống mức 76 USD/thùng tại thời điểm ngày 13/12/2023.
Bước sang năm 2024, Petrovietnam đánh giá, sản lượng khai thác của các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên 10-15% so với năm 2023. Các dự án phát triển mỏ mới chủ yếu là mỏ khí, việc đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ.