Sáng nay, 23/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai bước sang ngày xét xử thứ 4 đối với 17 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, liên quan tới Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (Công ty Lilama) và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama bị đưa ra xét xử về 2 tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" và "Rửa tiền".
Cùng với đó, 9 bị cáo là cựu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số sở, ngành tại tỉnh Lào Cai bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai. |
Có 7 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit Việt Nam) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi công bố bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã đưa ra quan điểm giải quyết vụ án.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, dù biết rõ việc khai thác quặng apatit phải có giấy phép, nhưng bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa đã lợi dụng việc Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án khách sạn, nhà hàng; đồng thời sử dụng các văn bản được ban hành chưa đúng quy định để chỉ đạo khai thác trái phép tổng cộng 1,532 triệu tấn quặng apatit các loại, trị giá hơn 610 tỷ đồng và hơn 39.000 tấn quặng apatit loại 3 không có cơ sở xác định giá.
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế và chế độ quản lý của Nhà nước trong nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương; có tính chất đồng phạm, cấu kết chặt chẽ, diễn ra trong thời gian dài.
Trong đó, Thừa là người trực tiếp chỉ đạo tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép; Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam biết rõ việc này, nhưng đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi liên quan tới việc khai thác, tiêu thụ trái phép trên.
Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự tỉnh Lào Cai và các hồ sơ liên quan đã xác định, tổng khối lượng quặng apatit có trong diện tích 37,7 ha trong đó có hơn 2,26 ha chồng lấn vào diện tích thuộc Khai trường 18 mà các công ty trên đã khai thác và tiêu thụ trái phép là 974.088 tấn các loại, có trị giá hơn 312,5 tỷ đồng.
Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa tổng hợp hình phạt chung là 7 năm đến 8 năm 6 tháng tù đối với 2 tội danh.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. |
Các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” bị đề nghị tuyên phạt gồm: Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai từ 5 đến 6 năm tù; Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai 4 đến 5 năm tù; Nguyễn Thanh Dương, cựu Phó chủ tịch 2 đến 3 năm tù; Lê Ngọc Hưng, cựu Phó chủ tịch 3 đến 4 năm tù; Phan Văn Cương, cựu Phó giám đốc Sở Công thương Lào Cai 2 đến 3 năm tù;
Bị cáo Lê Ngọc Dương và Mai Đình Định, cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai lần lượt bị đề nghị tuyên phạt từ 2-3 năm tù và 3-4 năm tù; bị cáo Ngô Đức Hoàng, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai và Vũ Đình Thủy, cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cùng bị đề nghị tuyên phạt 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo trên bị đề nghị tuyên phạt bổ sung 20-30 triệu đồng để sung công quỹ Nhà nước.
Tại Công ty Apatit Việt Nam, Nguyễn Quang Huy, cựu Tổng giám đốc, bị đề nghị tuyên phạt từ 3 năm - 3 năm 6 tháng tù; phạt bổ sung 50 - 100 triệu đồng; Phạm Cao Khiêm, cựu Phó tổng giám đốc 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; Lương Văn Na, Phó tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.
Có 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Ngọc Bích, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên; Cao Văn Tham, nguyên Phó phòng Kế hoạch thị trường và Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Xí nghiệp khai thác 3; Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật, điều độ, sản xuất.
Về trách nhiệm dân sự, đề nghị buộc bị cáo Thừa nộp lại gần 160 tỷ đồng để sung quỹ Nhà nước, do trước đó đã nộp khắc phục hơn 3 tỷ đồng; tạm giữ 1 xe ô tô và hơn 4 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Đồng Tả Phời để đảm bảo thi hành án.
Ngoài ra, buộc Công ty Apatit Việt Nam nộp lại số tiền hưởng bất chính gần 185 tỷ đồng; Công ty TNHH Phốt pho Vàng Việt Nam nộp lại số tiền gần 5,9 tỷ đồng và Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang Lào Cai nộp lại hơn 9 tỷ đồng hưởng lợi từ việc tiêu thụ quặng khai thác trái phép.