Trước mắt, tàu chạy 2 đôi tàu/ngày đêm với các mặt hàng lưu huỳnh quá cảnh cảng Hải Phòng đi Khai Viễn và hàng phân bón từ Khai Viễn về Hải Phòng. |
Trên hành trình, tàu dừng tại ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Sơn Yêu (Trung Quốc) để làm thủ tục hải quan. Trước mắt, hàng hóa vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là lưu huỳnh và tinh quặng kẽm; từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu là phân bón.
Công ty CP Vận tải ĐS Hà Nội và Công ty TNHH Tập đoàn Cục ĐS Côn Minh (TQ) bố trí 450 toa xe thành cao của 2 bên để tổ chức chạy tàu hàng chuyên tuyến với tần suất chạy 2 đôi tàu/ngày. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ tăng lên 3-4 đôi tàu/ngày.
Đoàn tàu hàng chuyên tuyến này được khai trương nằm trong kế hoạch vận chuyển giữa đường sắt hai nước. Với ưu điểm về tốc độ đưa hàng nhanh, thời gian quay vòng toa xe ngắn, đoàn tàu này giúp đưa hàng hóa hai nước thông thương nhanh chóng, thuận tiện, an toàn… với chi phí rẻ hơn so với đường bộ. Đặc biệt, việc làm thủ tục hải quan nguyên đoàn sẽ tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả trong việc thống nhất quy trình tác nghiệp vận chuyển, tác nghiệp hai đầu trong chuỗi dịch vụ logistic, đáp ứng nhu cầu vận chuyển liên vận quốc tế ngày càng cao của khách hàng.
Cùng ngày, tại TP Khai Viễn (châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) chính thức khai trương đoàn tàu chuyên tuyến liên vận quốc tế đường sắt Trung Á (Khai Viễn – Hải Phòng).
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc năm 2017 khoảng 700.000 tấn. Trong đó, tuyến Côn Minh – Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng và ngược lại đạt khoảng 650.000 tấn. Mục tiêu phấn đấu năm 2018 trên tuyến này đạt 1 triệu tấn.
Trước đó, tại Hội nghị đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 41 tại Côn Minh, Bộ GTVT Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng trong công tác liên vận giữa đường sắt hai nước, trong đó giảm thiểu các chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi vận chuyển bằng đường sắt liên vận.
Nhằm thực hiện tốt Nghị định thư đường sắt biên giới Việt –Trung lần thứ 41 và duy trì ổn định, phát triển tuyến vận tải hàng chuyên tuyến này, ông Khôi đề nghị UBND tỉnh Vân Nam và UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thông thoáng cho công tác xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt qua biên giới hai nước, rút ngắn thời gian thông quan. Đồng thời kiến nghị các cơ quan hai nước đẩy nhanh việc thống nhất phương án xây dựng tuyến đường sắt khổ lồng (bao gồm cả đường khổ 1.435mm và đường khổ 1.000mm) kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển liên vận đường sắt qua biên giới hai nước.