2 ngày liên tiếp xảy ra 4 sự cố cháy trong 1 ngày
Theo thông báo về tình tình an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn TP. Hà Nội của Công an TP. Hà Nội, ngày 21/9, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 4 sự cố cháy tại 4 quận gồm Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm.
Vụ cháy xảy ra tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc. |
Cụ thể, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an Thành phố tiếp nhận, xử lý 36 tin liên quan an ninh, trật tự, Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, gồm: Tổng đài 113 tiếp nhận 31 tin liên quan an ninh, trật tự, điều động 31 lượt phương tiện, 124 lượt cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường giải quyết.
Tổng đài 114 tiếp nhận, xử lý 5 tin báo liên quan đến cháy và Cứu nạn cứu hộ, điều động 13 lượt phương tiện, 83 lượt cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đặc biệt, trong ngày, xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng làm 1 người chết; xảy ra 1 vụ cháy trung bình tại quận Cầu Giấy và 4 sự cố cháy tại các quận gồm Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm.
Trước đó, cũng theo Công an TP. Hà Nội, trong ngày 20/9, trên địa bàn TP. Hà Nội cũng xảy ra 4 sự cố cháy, trong đó quận Thanh Xuân 2 vụ, quận Hà Đông và quận Hoàng Mai mỗi địa phương 1 vụ.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy, nổ
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2023 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke.
Hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2023 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. |
Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều yếu kém, còn phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm qua loa, chiếu lệ.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, ngay sau vụ cháy tại phường Khương Đình, quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra với 14 tổ thực hiện rà soát khoảng 1.900 chung cư mini và nhà trọ cao tầng cho thuê trên địa bàn.
Quận Thanh Xuân cũng sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức cơ quan đơn vị để xem xét trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ. Nơi nào lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, nếu xảy cháy sẽ xử lý khác với nơi lãnh đạo buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm.
Quận Thanh Xuân đã yêu cầu chủ đầu tư các chung cư mini, nhà cao tầng cho thuê cùng với việc rà soát trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, cần có phương án di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện khỏi các chung cư mini và nhà trọ cho thuê nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đề nghị UBND TP. Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường quản lý đối với loại hình công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay một số giải pháp để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với khu vực đỗ xe tại các chung cư mini.
Đối với các chủ sở hữu, phải xây dựng phương án quản lý vận hành và bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà, trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ bản để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Đối với UBND quận, UBND phường, phối hợp cơ quan công an, lực lượng phòng cháy chữa cháy khu vực rà soát toàn bộ các công trình để phát hiện các vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các chủ sở hữu đầu tư các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Đối với công trình xây dựng mới, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định.
Khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, để thực hiện tốt Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn TP. Hà Nội trong tình hình mới của Ban Thường vụ Thành ủy, đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành của TP tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của Chỉ thị.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, “buông lỏng” trong quản lý, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng. |
Đồng thời, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong toàn TP. Cần xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, coi đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn bản của Trung ương, TP.
Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gắn chặt công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, “buông lỏng” trong quản lý, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ rõ, cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, cháy chữa cháy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật.
Các cấp, cách ngành cần nghiêm túc nhìn nhận ngay từ khâu tổ chức thực hiện, tránh hình thức “đầu voi, đuôi chuột”, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm khắc để phòng ngừa sự cố cháy, nổ…
Đồng thời, sớm nghiên cứu và có các giải pháp hiệu quả hơn để hướng dẫn cho người dân kỹ năng ứng phó với các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Qua đó, biên tập thành chương trình cụ thể để hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông, báo, đài Hà Nội tăng thời lượng, khung giờ phát sóng, các phóng sự, chuyên đề về phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ thông về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào các khung giờ khán giả dễ theo dõi; tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp Công an TP. Hà Nội trong công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại điều kiện, tiêu chuẩn, khả năng phòng cháy chữa cháy ở tất cả các lĩnh vực, các địa điểm, các công trình, đặc biệt là ở các khu chung cư cao tầng, khu đông dân cư, chung cư mini, cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý, chủ hộ sản xuất, kinh doanh khắc phục tồn tại hạn chế về phòng cháy chữa cháy và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Nhằm khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém trong công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội theo thẩm quyền.