Đầu tư
Khẳng định vị thế trung tâm khu vực Tây Nguyên
Sơn Thắng - 02/01/2016 13:36
Đắk Lắk đang dần khẳng định là trung tâm của khu vực Tây Nguyên rộng lớn, là mắt xích quan trọng trong Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam

Vị thế

Nằm ở vị trí  trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, Đắk Lắk  có diện tích tự nhiên 13.125 km2, với vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh, hệ thống giao thông thuận lợi gồm các quốc lộ 14, 26, 27, 29 và Sân bay Buôn Ma Thuột nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và TP. HCM. Đắk Lắk cũng nằm trong Khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có đường biên giới dài 73 km giáp với tỉnh Mondulkiri của Campuchia.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk có diện tích rừng và trữ lượng gỗ hàng đầu trong cả nước nước, toàn tỉnh có hơn 600.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó, rừng tự nhiên khoảng 550.000 ha, rừng trồng trên 50.000 ha; trữ lượng gỗ đạt hơn 50 triệu m2 với nhiều chủng loại gỗ quý rất thuận lợi cho việc chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ.

Hệ thống hạ tầng khá đồng bộ đã thực sự tháo bỏ nút thắt trong phát triển kinh tế của Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Thủy

Hệ thống sông suối phân bố đều khắp trên các lưu vực sông Sêrêpôk và sông Ba với tiềm năng về thủy điện; gần 500 hồ, đập cung cấp nước cho 72% cây trồng và là nơi có điều kiện phát triển thủy sản lớn. Đắk Lắk có nhiều loại khoáng sản, như: sét cao lanh, sét gạch, vàng, chì, phốt pho... thích hợp để phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến.

Với diện tích tự nhiên rộng đứng thứ 4 cả nước, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 540.000 ha, rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế và xuất khẩu, như: cà phê, cao su, hồ tiêu... cho năng suất cao và chất lượng tốt, phù hợp và phát triển công nghiệp chế biến.

Hiện đàn gia súc và gia cầm  của tỉnh đang phát triển nhanh, là môi trường tốt để các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc với quy mô công nghiệp, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản, thuộc da...

Cộng đồng dân cư phong phú với 47 dân tộc sinh sống, dân số trên 1,8 triệu người, lực lượng lao động dồi dào với hơn 900.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo trên 400.000 người. Đắk Lắk còn được xem là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực ở khu vực Tây Nguyên gồm các trường: Đại học Tây Nguyên, Đại học Buôn Ma Thuột, Đại học Đông Á, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên, Cao đẳng nghề Đắk Lắk, Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, Trường đào tạo nghề Thanh niên dân tộc... cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực tại địa phương.

Kích hoạt tiềm năng

Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên gần đây, các đại biểu đều chung đánh giá, Tây Nguyên đang sở hữu tiềm năng lợi thế rất đặc biệt để phát triển kinh tế, là cánh cửa quan trọng trong sự liên kết phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực, nhất là Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV).

Đắk Lắk  là địa phương có lợi thế lớn trong sự phát triển này khi đóng vai trò là trung tâm của khu vực Tây Nguyên, là động lực phát triển cho toàn vùng Tam giác phát triển CLV. Từ Đắk Lắk  có thể mở rộng liên kết phát triển với các địa phương vùng duyên hải miền Trung, các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh thuộc các nước bạn trong Tam giác Phát triển CLV.

Xác định lợi thế đó, ngay trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và phương hướng năm 2016, UBND tỉnh Đắk Lắk  đã khẳng định, tiếp tục triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện 3 đột phát trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020.

Cụ thể, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Trong chiến lược phát triển kinh tế năm 2016, bên cạnh việc tập trung phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn của địa phương như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tỉnh Đắk Lắk  cũng đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, Đắk Lắk xác định công tác xây dựng và quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng thông qua việc khuyến khích thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội vào những lĩnh vực mũi nhọn của địa phương, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh tế.…

Dưới góc độ đầu tư, hệ thống hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ là cơ sở quan trọng để các chuyên gia kinh tế nhìn nhận rằng, nút thắt kinh tế của Đắk Lắk đã thực sự được khơi thông, mở ra triển vọng lớn để phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch.

Có thể khẳng định rằng, với tiềm năng lợi thế đặc biệt, kết hợp với sự quan tâm của Nhà nước đối với khu vực Tây Nguyên, sự nhất quán trong chính sách điều hành của chính quyền địa phương đã và đang mở ra cơ hội mới để Đắk Lắk vươn lên tầm cao mới, xứng đáng là Trung tâm của Khu vực Tây Nguyên rộng lớn.

Tin liên quan
Tin khác