Tỉnh Khánh Hoà đã có những chuẩn bị, kế hoạch cụ thể để cùng xây dựng đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hoà đã có những chuẩn bị, kế hoạch cụ thể cùng xây dựng đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, đồng thời hoàn thành mục tiêu quan trọng của Bộ Chính trị đặt ra đối với tỉnh Khánh Hòa là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Cụ thể, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025 theo tiến độ của Trung ương đề ra. Bộ máy sau khi được sắp xếp sẽ đảm bảo tính hiệu quả, hiệu năng trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thứ hai, các quy hoạch quan trọng của tỉnh đến nay đã được lập hoàn thành và được cấp thẩm quyền phê duyệt như: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cam Ranh đến năm 2045;… “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định các không gian phát triển, kiến tạo các động lực phát triển, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương trong thời gian tới”, ông Tuân chia sẻ.
Thứ ba, tập trung phát triển các ngành kinh tế theo hướng bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ. Khánh Hòa hiện nay đang chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chế biến thực phẩm; triển khai mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao (trong đó, tỉnh dự kiến giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 sẽ mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 30ha với kinh phí dự kiến 75,32 tỷ đồng; giai đoạn từ năm 2026-2027 sẽ mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 100 ha, kinh phí dự kiến 225 tỷ đồng; giai đoạn từ năm 2028 - 2029 mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao với quy mô 110 ha, kinh phí dự kiến 245 tỷ đồng); tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là ngành sản xuất điện tử, cơ khí chế tạo và sản xuất hàng tiêu dùng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, CCN nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Phát triển du lịch xanh và bền vững gắn với khai thác hiệu quả các tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa; với mục tiêu đến năm 2030 có 80% các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch được dán nhãn xanh, 95% cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, 4 tuyến điểm du lịch kết nối các khu/điểm đến du lịch xanh trong toàn tỉnh và 4 sản phẩm du lịch xanh được đưa vào khai thác tại mỗi khu/điểm du lịch.
Thứ tư, tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng chiến lược, nhất là đối với hạ tầng giao thông, cảng biển, logistic. Khánh Hòa có Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và hệ thống các cảng biển đang từng bước được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ logistic, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp khác. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Nha Trang - Cam Lâm đã được đầu tư hoàn thành; cùng với các tuyến đường cao tốc, liên vùng khác đang được triển khai đẩy nhanh tiến độ, khi hoàn thành sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối với các khu vực, mở ra nhiều không gian phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa (như dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 26B có tính chất quan trọng trong việc kết nối hành lang Đông - Tây của cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cũng như tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang với khu vực phát triển công nghiệp và cảng Nam Vân Phong theo định hướng Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050; Tuyến cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột đang được triển khai xây dựng, khi hoàn thành sẽ tăng cường thêm một trục ngang quan trọng, cùng với tuyến Quốc lộ 26 kết nối đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh để phục vụ kết nối Khánh Hòa với Tây Nguyên; Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận sau khi hoàn thành sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo của Tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cam Ranh đến huyện Khánh Sơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và tỉnh Khánh Hòa nói chung; kết nối liên vùng với 2 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của 3 tỉnh...).
Thứ năm, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công cấp tỉnh thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực (năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố cả nước; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 8/61 tỉnh, thành phố cả nước). Môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện; hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường, ngày càng được đổi mới và nâng cao hiệu quả đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa; đặc biệt cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Trung ương ban hành cho tỉnh sẽ là cơ sở, nền tảng vững chắc để Khánh Hòa tiếp tục thu hút thành công các dự án đầu tư lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Thứ sáu, năng lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực từng bước được củng cố, nâng cao. Tỉnh đã triển khai xây dựng các Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tỉnh Khánh Hòa, Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương, Đề án đầu tư nâng cấp Trường đại học Nha Trang thành Đại học vùng, ký kết hợp tác với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng hoàn thành và phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030. “Đây sẽ là những tiền đề, cơ sở để Khánh Hòa thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình kinh tế mới như như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm,…; từ đó tạo ra những động lực tăng trưởng mới, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông Tuân cho hay.
“Cuối cùng, để phát huy vai trò là trung tâm liên kết vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên, thời gian qua Khánh Hòa đã chủ động tổ chức liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đồng thời mở rộng việc liên kết với vùng Tây Nguyên (Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk,…). Đồng thời, tỉnh cũng đã tích cực trong việc đề xuất, tham gia góp ý đối với các cơ chế, chính sách đặc thù Vùng, nhất là các chính sách về cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi về thuế, sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư hoạt động và liên kết hợp tác với nhau hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển. Sau khi các cơ chế, chính sách đặc thù Vùng được thông qua sẽ tạo điều kiện cho toàn Vùng nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng”, ông Tuân chia sẻ.