Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long là đơn vị đại diện chủ đầu tư.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) với tổng mức đầu tư trên 6.355 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trên 1.806 tỷ đồng. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. |
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng chiều dài 51 km (bao gồm 27 cầu và có 03 nút giao khác mức liên thông tại huyện Vĩnh Thạnh, ĐT 963 và Rạch Giá, 20 km đường gom và hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh), được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận TP. Cần Thơ với chiều dài 24,17 km, 11 km đường gom và 13 cầu và hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27 km, có 9 km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước.
Theo quy hoạch tổng thể, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành - Đất Mũi của đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013.
Hiện nay, theo phân kỳ đầu tư, Dự án được xây dựng với quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 80 km/h; có 04 làn xe, Bnền/Bmặt=17m/15,5m, có dải phân cách cứng, kết cấu mặt đường láng nhựa. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bê tông nhựa, vận tốc thiết kế là 100 km/h. Điểm đầu dự án tại Km02+104.11 thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, kết nối Dự án xây dựng cầu Vàm Cống đã hoàn thành và đưa vào khai thác; Điểm cuối dự án tại Km53+553 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, kết nối với dự án Tuyến tránh Rạch Giá.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 17/01/2016, sau 5 năm triển khai xây dựng, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 12/01/2021 và chỉ cho phép các phương tiện cơ giới đường bộ được lưu thông trừ mô tô, xe gắn máy.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi Lễ |
Khi đưa tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi từ Lộ Tẻ (TP.Cần Thơ) xuống Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút xuống còn 50 phút, tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác của tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan đến Việt Nam.
Ông Trần Văn Thi, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành cùng với các dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống...) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung, giúp làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Đồng thời, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) (là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai) để tạo thành trục dọc nối từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đến Cà Mau) và cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực và của đất nước.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, sự kiện khánh thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có ý nghĩa quan trọng bởi không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà còn giúp người dân có thể xóa đói giảm nghèo bằng việc hình thành các sinh kế dọc theo tuyến đường. Đặc biệt, tuyến đường này còn có ý nghĩa quân sự, chính trị rất quan trọng bởi đây là tuyến đường đi xuyên vùng Đồng Tháp Mười (khi kết nối hoàn chỉnh toàn tuyến N2) kết nối với vùng biên giới tỉnh Kiên Giang.
Ông Thể thông tin thêm, hiện nay, hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn của vùng. Do đó, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành và các địa phương đang xây dựng kế hoạch 5 năm để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thiện, tốt hơn.