Doanh nhân
Khát vọng của người Việt
Bảo Duy - 30/04/2021 10:28
Chưa bao giờ, người Việt lại sẵn sàng chia sẻ và đặt niềm tin về những khát vọng đất nước đến vậy!

Hơn chục năm trước, không nhiều người tin khi nghe giới thiệu về những kế hoạch cất cánh của Vietjet Air - một trong những hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Cách đây vài năm, khi Vingroup tiết lộ kế hoạch đầu tư sản xuất ô tô thương hiệu Việt, lời ra tiếng vào rất nhiều, động viên thì ít, nghi ngờ là nhiều... Không nhiều doanh nghiệp, doanh nhân muốn chia sẻ thực tâm về những mong muốn vươn ra thế giới, tham vọng trở thành hàng đầu...

PGS - TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng lý giải điều này rằng, tâm lý của người Việt vốn không thích, không ưa người giàu. Rằng, cùng với những biến cố của lịch sử phát triển đất nước, xã hội Việt Nam không mở lòng người kinh doanh. Hệ quả là thái độ chính sách, không gian xã hội và văn hóa một thời không thuận cho các tham vọng lớn lên, mạnh hơn của người Việt. Trong một xã hội kỳ thị người giàu, kỳ thị doanh nhân, rất khó nói về sự phồn vinh, cường thịnh. 

Nhưng tình hình giờ đã rất khác! Nhìn vào số lượng đơn đặt hàng xe ô tô điện VinFast ngay khi thương hiệu này công bố kế hoạch sản xuất, cùng những lời bình luận của người Việt trên các diễn đàn, các mạng xã hội, có thể thấy, số đông người chia sẻ khát vọng từng được coi là điên rồ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Nhìn vào sự hào hứng của giới khởi nghiệp kinh doanh, sự phát triển nhanh chóng của các câu lạc bộ, diễn đàn khởi nghiệp, có thể thấy khát vọng làm giàu, khát vọng khẳng định bằng các ý tưởng đổi mới, sáng tạo... đang phổ biến trong giới trẻ.

Nhiều doanh nhân hàng đầu Việt Nam sau nhiều năm chọn cách ẩn mình, đã bắt đầu hành trình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh. Đặc biệt, nhiều doanh nhân đang coi thúc đẩy, nâng đỡ khát vọng kinh doanh, khát vọng làm giàu và khát vọng phồn vinh của đất nước là sứ mệnh.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet đã từng nói về niềm tin chắc chắn vào tương lai tươi sáng của Việt Nam, nhưng đi cùng với đó, là mong muốn cùng Chính phủ hành động để tương lai ấy đến gần hơn.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan đang nói đến khát vọng về một Việt Nam đi sau, về đích trước bằng những giải pháp đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO đang đau đáu với câu hỏi làm thế nào để đất nước phát triển và từng doanh nghiệp phát triển khi chia sẻ kế hoạch tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk vẫn tiếp tục con đường đưa doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân và đang có nhiều đề xuất để Việt Nam có một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển...

Và còn vô vàn ý tưởng kinh doanh thân thiện với con người, thuận thiên, phát triển bền vững đang được các doanh nghiệp, doanh nhân bắt tay thực hiện...

Tất cả điều này khiến mục tiêu đầy tham vọng về thu nhập bình quân đầu người, về quy mô nền kinh tế, về thứ hạng và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra dần thành hiện thực.

Tin liên quan