Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng, khát vọng đó là hoàn toàn chính đáng và đáng trân trọng. Bởi sau gần 3 thập kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới, dù Việt Nam đã từ một quốc gia thiếu đói trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo và lương thực hàng đầu thế giới, từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu trở thành một nền kinh tế năng động, là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên toàn cầu…, song so với những thành tích nổi bật của nhiều quốc gia trong khu vực thì vẫn còn đó nỗi lo tụt hậu, trì trệ.
Dù chưa nói tới khát vọng thịnh vượng vào năm 2035, thời điểm tròn 50 năm Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, nhưng nếu chỉ nhìn vào thời gian ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng, nhìn vào những động lực tăng trưởng trong giai đoạn trước đang ngày càng ít phát huy tác dụng ... mà chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh, thì yêu cầu Đổi mới, tiếp tục Đổi mới đã ngày càng cấp bách.
Quang cảnh lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035 |
Hơn thế, Việt Nam đang kỳ vọng hướng tới một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới, với thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm 2035 lên tới 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011); một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ với vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai; một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình; một xã hội văn minh, trong đó mỗi người dân và mỗi tổ chức chính trị xã hội (toàn bộ hệ thống chính trị) được bình đẳng trước pháp luật…
Khát vọng là lớn lao. Con đường phía trước đầy khó khăn, thách thức và rủi ro. Vì thế, việc đạt được những mục tiêu đầy khát vọng đó là không hề dễ dàng.
Thực hiện khát vọng lớn lao này, tăng trưởng cao là cần thiết và chỉ có thể được duy trì khi dựa trên năng suất cao hơn. Nhưng mức tăng năng suất lao động hiện tại chỉ có thể mang lại tăng trưởng GDP bình quân đầu người 4,0 - 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức 7% cần thiết để gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Chương trình cải cách sẽ không thành công chừng nào tăng năng suất chưa được cơ bản cải thiện. Chỉ một ví dụ thôi đã cho thấy, chặng đường 2 thập kỷ phía trước để thực hiện khát vọng 2035 chông gai đến chừng nào. Nhưng nếu không cải cách, không coi đây là cơ hội để dũng cảm tiến lên phía trước, đất nước sẽ tụt hậu, trì trệ.
Thách thức Đổi mới đã và đang đặt ra vô cùng gay gắt, giờ càng quyết liệt và mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đang hướng tới một xã hội thịnh vượng, công bằng và dân chủ trong vòng 20 năm tới.
Việt Nam - như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh, đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển.
Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng 2035, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột chính là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Không thực hiện được những cải cách đó, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, nguy cơ tụt hậu xa hơn, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi.
Khát vọng 2035 đã định hình. Điều quan trọng là Việt Nam phải mạnh dạn và dũng cảm tiến về phía trước, thực hiện cải cách để hiện thực hóa khát vọng này.