Người dân chen lấn mua khẩu trang y tế tại hiệu thuốc. |
Chiều 31/1, Bộ Y tế tiếp tục tiến hành họp báo để cung cấp thông tin về phòng, chống dịch do virus corona (2019-nCoV) gây ra. Liên quan việc sốt hàng khẩu tràn y tế trên thị trường, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện nước ta có hơn 30 đơn vị sản xuất trang thiết bị khẩu trang, tuy nhiên do đầu năm mới, các công ty gặp vấn đề về nhân công. Hàng năm ngày mùng 10 các công ty mới sản xuất nhưng năm nay mùng 7 đã có công nhân đi làm.
"Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị sản xuất báo cáo lại tình trạng tồn kho, khả năng sản xuất. Nâng cao kiểm tra, giám sát, xử phạt những đơn vị nâng giá khẩu trang, đảm bảo bình ổn giá, không đầu cơ, gom hàng", ông Hiếu thông tin.
Đồng thời, ông khẳng định năng lực sản xuất của các đơn vị đủ để đáp ứng cho người dân. Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường kiểm tra giám sát, xử lý những đơn vị lợi dụng tình hình dịch để nâng giá, "chặt chém" người dân.
Tại cuộc họp báo lãnh đạo Bộ Y tế cũng cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện chưa thấy có ca bệnh nhiễm nCoV do lây lan trong cộng đồng. Tất cả 5 ca bệnh đều là các ca bệnh xâm nhập, kể cả 2 cha con người Trung Quốc là do tiếp xúc rất gần mới nhiễm bệnh. Đây là điều quan trọng để giải thích cho người dân hiểu, và chúng ta có đáp ứng thích hợp với dịch bệnh này.
Trên thế giới, theo cập nhật của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 17 giờ 00, ngày 31/01/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới cụ thể như sau: Tổng số trường hợp mắc: 9.920 ,trong đó tại lục địa Trung Quốc: 9.779 Tổng số trường hợp tử vong: 213, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 213. Ngoài ra, đã có 141 trường hợp mặc bệnh tại 23 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc).
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế). |
Với tình hình lây lan rộng, tại cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31/1 (giờ Việt Nam) ở Geneva (Thụy Sĩ), WHO tuyên bố sự bùng phát chủng virus nCoV từ Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".
Nói về tuyên bố của WHO, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên, trước đó, WHO đã công bố 5 lần với các dịch bệnh khác. Tại Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ công bố khẩn cấp. Ông Phu cho biết bản chất công bố tình trạng khẩn cấp mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay chống dịch. Còn hiện nay, các biện pháp như hạn chế đi lại, đóng cửa khẩu... là không có trong công bố này.
“Theo khuyến cáo của WHO, chúng ta đã làm rất nhiều hoạt động mạnh như chia sẻ cập nhật thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chính quyền các cấp tham gia, chuẩn bị nguồn lực... Tôi cho rằng chúng ta đã đáp ứng rất tốt trước khi có công bố tình trạng khẩn cấp của WHO”, ông Phu cho hay.
Trong đó, Thủ tướng Chỉ thị Bộ Y tế: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu các điều kiện và thủ tục pháp lý, đề xuất việc công bố tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch bệnh này gây ra tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 02 tháng 02 năm 2020.
Hướng dẫn thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh cho nhân dân.
Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 02 tháng 02 năm 2020. Chỉ đạo các đơn vị chủ động việc sản xuất các trang thiết bị phòng chống dịch; cung ứng đủ phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch, trước hết là cho các địa phương biên giới.
Chỉ đạo việc hỗ trợ nhân lực y bác sỹ cho các địa phương có dịch bệnh.
Xây dựng kịch bản về diễn biến của dịch và kế hoạch, biện pháp ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 02 tháng 02 năm 2020.