Chuyện làng, chuyện phố
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
Đinh Thu Hiền - 20/12/2015 10:09
Từng bước gom tiền để có thể sở hữu được nơi ở, cần lắm sự quyết tâm và tiết kiệm từ những ngày còn rất trẻ.

1.

Bữa rồi, tôi là người chứng kiến cuộc mua bán căn hộ giữa hai người bạn. Cách nay đúng 1 năm, chúng tôi gom lại cùng rủ nhau đi mua dự án tại quận 2, để hưởng chiết khấu mua sỉ. Những căn hộ sát nhau, toàn là hàng xóm quen biết.

Lúc đi đóng tiền, ra hợp đồng đều có mặt đầy đủ các “chiến hữu”, vui lắm. Và ai cũng hồ hởi khi nghĩ hàng xóm quanh mình là người thân quen thì thật tuyệt vời. Không khí đoàn kết lên rất cao.

Nhưng “tiếc” rằng, chỉ sau một thời gian thì giá căn hộ đã có chênh lệch nên mọi sự đều thay đổi. Người thì cần tiền dùng cho việc khác nên bán, người thì muốn hiện thực hóa lợi nhuận, người khác thì cha mẹ lại sang tên cho căn nhà đang ở, nên các căn hộ được bán lần lần.

Trong số gần ba chục căn đã mua, chỉ còn có chừng 5 căn hộ hiện đang được giữ lại, với mục đích ở lâu dài, hoặc ít nhất cũng chờ sau khi giao nhà thì mới tính bán hoặc cho thuê.

Trong số ấy, căn hộ của Hồng sát với căn hộ của Hòa. Lúc đầu, Hồng mua 2 căn chung một lầu, nhưng sau đó cô bán căn góc đi với vài chục triệu tiền chênh lệch.

Vừa bán đi xong thì thị trường vào đợt lên giá mới. Các căn hộ phía Đông Sài Gòn quý nào cũng thiết lập mặt bằng giá khác theo chiều hướng tăng. Thời điểm về sau này, Hồng có nhu cầu kiếm chỗ ở cho cả gia đình.

Ban đầu cô tính hùn tiền cùng gia đình chị gái để mua nhà mặt tiền rồi xây lên cho thuê. Nhưng đồng tiền thì eo hẹp, chờ bán hết tất cả những tài sản đang có thì cũng cần cho thêm thời gian. Hơn thế, “trứng cùng để hết một giỏ” cũng không phải là phương án an toàn.

Tính tới tính lui, Hồng thấy tốt nhất là mua lại căn của Hòa kế bên để ở cho đại gia đình, với giá tiền chấp nhận được. Tính tổng số tiền cho hai căn hộ với 4 phòng ngủ, và gần 120m2 này, Hồng chỉ cần phải trả 1,9 tỷ đồng.

Tụi nhóc thì có hồ bơi, công viên ở bên dưới, người anh trai bị khiếm thị của Hồng hiện đang làm nghề massage ở cơ sở dành cho người khiếm thị có thể kiếm các mối khách ruột là hàng xóm kế bên, khỏi cần đi đâu xa, lại vui vẻ, tình nghĩa gần nhà.

Thời điểm này, dự án còn đang xây chưa xong, Hồng chưa thể xin trổ cái cửa để đi thông qua hai căn hộ được. Nhưng căn hộ sát ở bên cũng coi như là các căn phòng trong căn nhà lớn thôi. Vô cùng tiện lợi. Quan trọng nhất là Hồng không quá lo với việc cáng đáng tài chính cho chỗ ở của mình.

2.

Đã có câu nói rằng: “Tiết kiệm khi còn trẻ, về già khỏi lo nghĩ”. Ở các quốc gia phát triển, an sinh xã hội tốt khiến người ta chẳng cần thiết phải lo nghĩ quá nhiều khi vào tuổi không còn sức lao động nữa. Nhưng tại Việt Nam, trại dưỡng lão không phải là sự chọn lựa hàng đầu với nhiều người.

Khá nhiều thứ về quan niệm Á đông, về cơ sở vật chất ở các nơi nuôi dưỡng người già chưa được đáp ứng. Vì vậy, ai cũng ráng mua căn nhà để ở.

Trong lúc tiền lương khó cải thiện cao hơn theo kịp đà tăng của giá cả thị trường, thì với những người trẻ rất cần “tích tiểu thành đại”.

Cứ từ ít rồi gom lại lên thành nhiều. Cứ từ một gom lên thành mười. Như trường hợp của Hồng, cô trả góp căn đầu tiên đã được 50%, căn thứ hai kế bên cô làm thủ tục vay trả trong vòng 12 năm. Khoảng vài năm sau, nếu có đủ tiền, thì Hồng sẽ tính trả hết một lần. Với việc này, Hồng cảm thấy đỡ áp lực hơn khi phải bán hết mọi thứ đang có để cùng mua căn nhà mặt tiền với chị gái.

Người biết thu vén tiết kiệm, là người biết cách tính toán. Chứ cũng không phải là người nhịn đói, nhịn khát để cuộc sống hiện tại quá kham khổ, sức khỏe và tinh thần giảm sút. Câu nói của ông bà xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”…

Tin liên quan
Tin khác