Đầu tư
Khi nào trình Báo cáo khả thi Dự án Sân bay Long Thành lên Quốc hội
Anh Minh - 20/10/2016 08:35
Công tác chuẩn bị đầu tư siêu cảng hàng không quốc tế Long Thành cơ bản bám sát tiến độ đề ra và sẽ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi lên Quốc hội vào cuối năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và giao Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) thay mặt Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, so với mốc tiến độ do Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13, Giai đoạn I của Dự án chậm nhất phải hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025, đến nay cơ bản vẫn được đáp ứng.

.

Được biết, theo quy định tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần được Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi từng giai đoạn trước khi quyết định đầu tư. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay của Dự án (giai đoạn chuẩn bị dự án), có 2 nội dung trọng tâm cần được tập trung, gấp rút triển khai là công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn I và  lập phương án, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Dự án.

Đối với công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn I của Dự án, Bộ GTVT cho biết, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được Chính phủ giao làm chủ đầu tư và cho phép sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đấu thầu tư vấn quốc tế. Hiện nay, ACV đang tổ chức thi tuyển lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2016 (bao gồm cả thời gian lấy ý kiến cộng đồng).

“Sau khi tổ chức thi tuyển kiến trúc, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 12/2016 - 3/2017. Thời gian lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến kéo dài khoảng 16 tháng”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.

Được biết, phạm vi công việc được lập đề cương trong Báo cáo nghiên cứu khả thi được chia thành 5 nhóm hạng mục, gồm: 10 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư và dùng vốn của ACV; 26 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách (các hạng mục không có khả năng sinh lời); 6 hạng mục dùng vốn ngân sách do Nhà nước chỉ định làm chủ đầu tư; 2 hạng mục vay vốn ODA thương mại hoặc đối tác công - tư (PPP); 17 hạng mục do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư.

Trong Đề cương Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Bộ GTVT cuối năm 2015, ACV cũng kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với Dự án theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại toàn bộ, bao gồm cả phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi dự kiến lên tới 3,53 tỷ USD, tương đương 35,23% khái toán tổng mức đầu tư Dự án.

Trong khi đó, đối với việc lập phương án, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đạt được bước tiến dài khi đã hoàn thành công tác điều tra thông tin, xây dựng Đề án và Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư, giải quyết việc làm, tổ chức lại đời sống của người dân trong diện di dời, giải toả để thực hiện Dự án.

Tính đến cuối tháng 9/2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành dự thảo cơ chế đặc thù về thu hồi đất và tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở cơ chế đặc thù về giải phóng mặt mặt bằng do UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức thẩm định cơ chế đặc thù về công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, so với kế hoạch ban đầu, tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi bị chậm khoảng 8 tháng, nguyên nhân do tiến độ dự kiến ban đầu mà chủ đầu tư lập có áp dụng một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai dự án như tuyển chọn phương án kiến trúc Nhà ga hành khách Long Thành và thực hiện song song việc giải phóng mặt bằng từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay do đặc thù công trình nhà ga hành khách, Dự án vẫn tiến hành thi tuyển kiến trúc theo quy định của pháp luật, việc này dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện khoảng 9 tháng.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa được tách thành tiểu dự án riêng, Quy hoạch khu tái định cư và Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư được nghiên cứu đồng thời và sẽ được phê duyệt sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án được phê duyệt. 

“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư Dự án để tập trung nghiên cứu, phấn đấu hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trình Quốc hội vào cuối năm 2018”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Tin liên quan
Tin khác