Sở hữu chéo giảm mạnh?
Trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội vào cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy nhanh tiến độ xử lý sở hữu chéo. Đến nay, tình hình sở hữu cổ phần, sở hữu chéo được giải quyết cơ bản. Tình trạng nhóm cổ đông thao túng ngân hàng được nhận diện, xử lý.
“Hiện số ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp giảm từ 7 xuống 2, sở hữu cổ phần ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 còn 2”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
. |
Nếu những con số này là thực, chắc chắn sở hữu chéo ngân hàng không còn là vấn đề đáng lo.
Thực tế, những trường hợp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp không còn nhiều, song những thương vụ thâu tóm ngân hàng diễn ra trên thị trường thời gian qua cho thấy, mối quan hệ sở hữu giữa các nhóm cổ đông ngân hàng vẫn rất phức tạp và chỉ lộ ra khi có sự chạy đua thâu tóm cùng một con mồi.
Tương tự, dù tình trạng sân sau của ngân hàng đã giảm bớt, song thực tế nhìn trên thị trường, vẫn còn rất nhiều ông chủ ngân hàng cũng đồng thời là ông chủ của những tập đoàn bất động sản lớn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) tỏ ra rất băn khoăn với những mối liên kết ngầm giữa thị trường tín dụng với thị trường bất động sản. Theo đại biểu này, nếu không có công cụ nhận diện và cơ chế kiểm soát sở hữu chéo hiệu quả, đồng thời thiếu sự minh bạch của thị trường tài chính và bất động sản, thì sẽ rất khó trị sở hữu chéo.
Chính Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận: "Sở hữu chéo là vấn đề phức tạp, khó kiểm soát với trường hợp nhờ người đứng tên hộ, nên đòi hỏi cần thanh tra kỹ lưỡng".
Giám sát chặt mua bán cổ phần, ép ngân hàng lên sàn
Trước tình trạng diễn biến tinh vi, phức tạp của sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng, những quy định mới được đưa ra trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội này) sẽ giúp cơ quan thanh tra, giám sát có thêm công cụ để chặn sở hữu chéo. Trong đó, công cụ quan trọng nhất là “bóc” được nguồn gốc tiền mua ngân hàng, cũng như giám sát được chặt chẽ hơn việc mua bán cổ phần, cổ phiếu.
Cụ thể, Dự thảo bổ sung quy định, các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Nguồn tiền mua cổ phần ngân hàng phải được chứng minh rõ ràng và không có nguồn gốc từ vốn vay. Các tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua cổ phần ngân hàng khác. Các cá nhân từng có sai phạm không còn được tham gia các vị trí quản trị, điều hành ngân hàng.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, cổ đông lớn và người liên quan không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sở hữu chéo ngày càng tinh vi, phức tạp và không dễ phát hiện qua sở hữu cổ phần, cổ phiếu, một giải pháp nữa được Ngân hàng Nhà nước tích cực triển khai là buộc các ngân hàng lên sàn để người dân, nhà đầu tư có thêm cơ sở để giám sát. Từ cuối năm ngoái đến nay, hàng loạt ngân hàng dồn dập lên sàn.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc ép các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết công khai lên sàn là rất cần thiết, bởi khi đó các ngân hàng sẽ phải công khai thông tin, số liệu tài chính và cơ cấu sở hữu phải minh bạch. Lãnh đạo các ngân hàng này cũng có ý thức hơn về hoạt động trong sự giám sát của dư luận và nhà đầu tư.
Với những chuyển biến mới này, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, dù không chống được triệt để thì cũng có thể lộ dần ra ánh sáng, để cơ quan quản lý dè chừng và có hành động đối phó kịp thời.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo chống sở hữu chéo. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng diễn ra cách đây một tháng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng. Xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu vốn; ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông và nhóm cổ đông lớn chi phối trong các tổ chức tín dụng...