Tạm dừng phiên giao dịch sáng đầu tuần 10/12, mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang đứng giá 5.152 đồng với khối lượng giao dịch đạt gần 989 nghìn cổ phiếu.
Như vậy, sau 1 tuần giao dịch, HAG đã đạt được mức tăng nhẹ 0,97%, tuy nhiên, trong vòng 3 tháng qua, mã này ghi nhận mất 11,71% và mất tới gần 33% trong vòng 1 năm qua.
Giá cổ phiếu HAG sụt giảm bất chấp những nỗ lực trong quá trình tái cơ cấu của Hoàng Anh Gia Lai. Với việc bắt tay với Trường Hải Thaco, lợi nhuận trước thuế quý III của HAG đã tăng 9% so với cùng kỳ lên 392,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế quý III của tập đoàn này là 377,6 tỷ đồng, tăng 18%.
Tuy vậy, vấn đề của HAG hiện tại đó là xu hướng dịch chuyển nợ vay từ dài hạn sang ngắn hạn. Nợ vay dài hạn cuối quý III của tập đoàn này đã giảm khoảng 5.000 tỷ đồng xuống còn 15.269 tỷ đồng so với đầu năm trong khi nợ vay ngắn hạn lại tăng hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.790 tỷ đồng.
Mặc dù trải qua nhiều sóng gió song ông chủ Hoàng Anh Gia Lai – ông Đoàn Nguyên Đức vẫn không buông bỏ bóng đá. Dữ liệu tài chính cho thấy, đến cuối tháng 9/2018, tập đoàn của bầu Đức chi tới gần 63 tỷ đồng cho Học viện bóng đã HAGL-JMG, tăng mạnh so với còn số 53,4 tỷ đồng hồi cuối năm 2017.
Một thông tin gây tranh cãi gần đây đó là việc ai mới là người trả lương cho ông Park Hang Seo và không ít người hâm mộ đã bất ngờ khi trên một số phương tiện truyền thông cho biết, không ai khác chính là bầu Đức. Theo đó, bầu Đức không chỉ là người đã mời ông Park Hang Seo, HLV người Hàn Quốc về Việt Nam mà còn là người đã chi trả lương cho vị HLV này (chứ không phải là VFF).
Mức lương của HLV người Hàn Quốc từng được cho biết khoảng 22.000 USD/tháng (khoảng 510 triệu đồng). Với mức lương này, ông Park Hang Seo là chiến lược gia nhận lương thấp nhất trong số 4 HLV tham dự vòng bán kết AFF Cup 2018 và chỉ bằng khoảng 1/4 so với người đồng nghiệp đang dẫn dắt đội tuyển Thái Lan (100.000 USD/tháng).
Trở lại với thị trường chứng khoán, phiên giao dịch này, với độ rộng thị trường đang nghiêng hẳn về các mã giảm giá, các chỉ số trên thị trường đều đồng loạt mất điểm.
Cụ thể, VN-Index mất 3,22 điểm tương ứng 0,34% còn 955,37 điểm với 169 mã giảm giá so với 106 mã tăng trên sàn HSX. Đồng thời, với 66 mã giảm giá so với 41 mã tăng, chỉ số của sàn HNX cũng đánh mất 0,41 điểm tương ứng 0,39% còn 106,72 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn cầm chừng thể hiện sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 100,35 triệu cổ phiếu tương ứng 2.345,35 tỷ đồng và tại HNX là 15,91 triệu cổ phiếu tương ứng 240,1 tỷ đồng.
Sáng nay, VHM, VIC, VCB, CTG… đều giảm giá đã tác động tiêu cực lên diễn biến chỉ số. Bên cạnh đó, VJC cũng mất 1.600 đồng, ROS mất 950 đồng.
Trong khi đó, VNM mặc dù tăng 2.000 đồng, GAS tăng 1.500 đồng và MSN tăng 1.100 đồng song mức tăng tại những mã này vẫn chưa đủ sức ảnh hưởng để khiến đảo chiều chỉ số.