Kinh tế tiếp tục phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế - xã hội tháng Hai và hai tháng đầu năm 2023 tiếp tục phục hồi, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
“Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc ngay trong và sau Tết Nguyên đán, vừa tập trung xử lý vấn đề phát sinh, vừa cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, thực hiện các giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.
Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô đã được Bộ trưởng viện dẫn để chứng minh cho nhận định này. Chẳng hạn, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 02/2023 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng Một (tăng 4,89%); bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý chỉ số lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm, hiện tăng 5,08% so với cùng kỳ năm trước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Cùng với đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước.
Các chỉ số khác: thu ngân sách nhà nước hai tháng ước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 23,6% dự toán, tăng 17%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực, hai tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022; cán cân thương mại tháng Hai ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung hai tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.
“Hoạt động sản xuất - kinh doanh tích cực, sức cầu tiêu dùng trong nước tăng cao, các hoạt động kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường sau Tết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, hai tháng qua, sản xuất nông nghiệp ổn định, bảo đảm tiến độ gieo trồng vụ đông xuân; sản lượng thủy sản tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung hai tháng tăng 1,3%, nhờ triển vọng tích cực từ các thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Hai ước tăng 5,1% so với tháng trước, người lao động đã quay trở lại làm việc, nhất là tại một số địa phương trọng điểm công nghiệp.
“Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng Hai đạt 51,2 điểm (trên 50 điểm là sản xuất được mở rộng - PV). Điều này cho thấy sản xuất đã có dấu hiệu tích cực trở lại, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 3 tháng trước đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai tăng 13,2% và tính chung hai tháng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%). Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế hai tháng đạt trên 1,8 triệu lượt khách, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước.
Khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng
Chỉ ra những kết quả đạt được, những điểm tích cực của kinh tế - xã hội Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023 như vậy, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa bày tỏ sự lo lắng khi khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao.
Hàng loạt khó khăn, thách thức mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra. Đó là thị trường xuất khẩu suy giảm; thị trường và doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn; rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng… đã và đang tác động trực tiếp, rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm trong nước…
“Những yếu tố này có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý I như đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, tạo sức ép cho các quý tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phân tích kỹ hơn về các chỉ số kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hai tháng, Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%.
Đáng nói là, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1% - PV), thấp nhất trong cùng kỳ hai tháng từ năm 2001 đến nay. “Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm… đều giảm hoặc tăng thấp, cá biệt ngành sản xuất thiết bị điện giảm trên 50%”, Bộ trưởng cho biết.
Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/2 chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động hai tháng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%.
Một chỉ số quan trọng khác, đó là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa hai tháng đều giảm, lần lượt là giảm 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng, mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 4,2%, nhưng không bù đắp được sự suy giảm tại các thị trường lớn khác. Hai tháng, xuất khẩu sang Mỹ giảm giảm 21%, sang Hàn Quốc giảm 5,7%, sang ASEAN giảm 7,9%, sang EU giảm 4,2%, còn sang Nhật Bản giảm 5,9%…
Thêm nữa, điều khiến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quan ngại, đó là thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.
“Đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, cần giải pháp xử lý kịp thời, không để gây tắc nghẽn dòng vốn, ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư. Phải làm sao tránh lan truyền rủi ro đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, nhưng cũng cần thận trọng trước các diễn biến có thể xảy ra, tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế.
Một lần nữa nhấn mạnh việc “áp lực điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng”, khi mà sản xuất - kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh gia tăng..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc cải thiện nguồn cung trong nước, tác động đến tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể làm tăng áp lực lạm phát khi nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục xu hướng tăng nhanh.
“Cần tiếp tục xác định trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát là đồng thời cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định. Do đó cần xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí, sớm hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất - kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh hiện nay, cần có các giải pháp điều hành chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để vừa không làm tăng thêm vừa hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.