Khoản đầu tư không nhỏ
Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên về Quản trị công ty vừa tổ chức tuần qua, thành viên Hội đồng Quản trị một doanh nghiệp niêm yết tiết lộ, công ty này đang có kế hoạch bổ sung nội dung trích lập quỹ tập trung cho hoạt động đầu tư thực hiện cam kết ESG (môi trường - xã hội - quản trị) trong phương án phân phối lợi nhuận.
Ý tưởng chưa từng có trên cần được Hội đồng Quản trị nhất trí cũng như đạt được tỷ lệ tán thành của các cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.
Đầu tư cho ESG thực tế đã được chính đơn vị này cùng nhiều doanh nghiệp khác triển khai. Chẳng hạn, tại Vinamilk, theo Giám đốc tài chính Lê Thành Liêm, những khoản đầu tư cho phát triển bền vững mà Vinamilk triển khai 20 năm về trước, như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xây dựng hệ thống khử mùi… chỉ mang tính chất tuân thủ về mặt pháp luật. Thời điểm đó, Vinamilk chưa nghĩ đây là ESG, nhưng tương tự như các khoản đầu tư ở thời điểm hiện tại. Hoạt động này đòi hỏi khoản kinh phí rất lớn.
Cũng là một khoản chi phí không nhỏ, bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó tổng giám đốc CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) cho biết, việc đầu tư cho nền tảng công nghệ là yếu tố giúp phát triển nông nghiệp bền vững tại doanh nghiệp này. TTC AgriS đang theo đuổi mô hình canh tác chính xác, lên men chính xác để tính toán, từ đó loại bỏ lượng dư không cần thiết các yếu tố đầu vào trong quá trình hoạt động, như lượng nước, phân bón với từng loại đất…
Không chỉ cần nguồn lực về vốn, con người cũng là yếu tố quan trọng cần được “đầu tư” để các cam kết ESG được lan tỏa trong hoạt động doanh nghiệp. Tại AEON Việt Nam, hãng bán lẻ này đang triển khai hình thức cho thuê túi. Thay vì sử dụng túi nilon hay bỏ một khoản chi phí để mua, khách hàng chỉ cần đặt cọc và được hoàn tiền khi trả túi ở lần mua sắm sau. Tuy nhiên, để biến lời nhắc nhở và bắt buộc của nhân viên bán hàng trở thành việc truyền đạt thông điệp tiêu dùng xanh, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Nhân sự, Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam cho rằng, quản trị nhân lực xanh cũng là điều đặc biệt quan trọng.
Hay ngay từ chính thượng tầng của doanh nghiệp, ông Lê Quang Phúc, thành viên HĐQT độc lập CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ, quản trị xanh tại hãng trang sức này cũng phải đến từ chính tư duy xanh về kinh doanh của lãnh đạo Công ty.
Sẽ là chuyện sống còn
Khá nhiều khoản đầu tư cho phát triển bền vững bắt buộc thực hiện do yêu cầu tuân thủ các quy định pháp luật. Gần nhất, bắt đầu từ ngày 1/1/2024, phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất được áp dụng với nhóm nhựa bao bì sẽ có hiệu lực. Nhiều quy định về bảo vệ môi trường cũng đã có từ trước.
Tuy nhiên, vượt trên cả câu chuyện tuân thủ, ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu từ người tiêu dùng hay hàng rào khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu.
Tại châu Âu, thị trường này đã có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Các quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Mỹ cũng có dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đang áp dụng tại châu Âu.
Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng MB, trong tương lai gần, ESG không còn là thứ doanh nghiệp muốn làm hay không, mà liên quan đến yêu cầu những sản phẩm xanh từ người tiêu dùng. Do vậy, chuyển đổi ESG sẽ là yếu tố sống còn, là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp.
Đầu tư chuyển đổi ESG đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ. Tuy nhiên, việc thực hiện các khoản đầu tư phát triển bền vững mang đến cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng xanh ưu đãi với lãi suất giảm 0,5 - 2%/năm.
Tại MB, trong giai đoạn 2020 - 2023, tỷ trọng dư nợ xanh tại MB đã tăng 3,8 lần, từ 14.500 tỷ đồng, lên 55.000 tỷ đồng, chiếm đến 11% tổng dư nợ. Vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tới 90%.
Các tập đoàn lớn ở nước ngoài như SK Group cũng đang lượng hóa được giá trị môi trường, xã hội trong mỗi dự án triển khai. Bên cạnh kết quả kinh doanh, việc chứng minh đạt các tiêu chí xanh cũng như thể hiện cam kết từ doanh nghiệp là các yếu tố giúp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh “giá rẻ”.