Mảnh ghép hoàn hảo từ Sojitz
Cuối cùng, ông Toshiaki Miyabe, Giám đốc điều hành bộ phận Nông nghiệp và Thực phẩm Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) cũng ngồi vào chiếc ghế thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2022 của PAN (mã: PAN, sàn HoSE).
Quyết định chi 35 triệu USD mua 10% cổ phần PAN là thương vụ mới nhất của Sojitz nằm trong một vài sáng kiến nhắm vào thị trường tiêu dùng có mức thu nhập đang trên đà gia tăng của Việt Nam.
Nông nghiệp và thực phẩm là hai mảng kinh doanh cốt lõi của PAN |
Cụ thể, Sojitz muốn mở rộng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua việc đưa công nghệ Nhật Bản kết hợp với nền tảng sẵn có của PAN, tận dụng mạng lưới toàn cầu của mình để phân phối sản phẩm của PAN. Đồng thời, Sojitz cũng cung cấp sản phẩm cho PAN và hình thành hoạt động kinh doanh mới, phát triển chuỗi giá trị ở Việt Nam.
Ngoài thương vụ đầu tư vào PAN, trong năm 2018, Sojitz còn mua lại 20% cổ phần của Nhựa Rạng Đông Long An và 95% cổ phần Công ty Giấy Sài Gòn - nhà sản xuất giấy tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Sojitz cho rằng, PAN mới là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất. Sojitz muốn thiết lập hoạt động kinh doanh mới nhanh chóng hơn, quy mô lớn hơn, thay vì bắt đầu từ đầu. Trước mắt, hai bên sẽ hợp tác với 3 dự án, gồm: gạo, bánh kẹo và cá tra.
Ở chiều ngược lại, thương vụ này giúp PAN có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư và tiếp tục thực hiện các dự án M&A và có đối tác hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Sojitz cũng sẽ giới thiệu và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới cho PAN.
Hai bên cũng bắt tay ra mắt Ủy ban Hợp tác chiến lược để hiện thực các mục tiêu trở thành hai tập đoàn hàng đầu về lương thực, thực phẩm tại Việt Nam và tạo ra chuỗi giá trị thực phẩm tại thị trường này.
Khóa room ngoại
Việc PAN tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tuần qua với việc tham gia của Sojitz không đáng chú ý bằng việc các cổ đông hiện hữu của PAN quyết định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 49%, vì trước đó, PAN không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Theo quy định, doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 51% vốn sẽ bị xem là doanh nghiệp nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần cũng như đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Chính vì vậy, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài của PAN nhằm đảm bảo Công ty luôn là tổ chức kinh tế trong nước, không phải đáp ứng các điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Với 10,02% cổ phần, Sojitz là cổ đông ngoại lớn thứ hai tại PAN, sau Tael Two Partners Ltd (18,21% cổ phần). Ngoài ra, GIC Private Ltd (Singapore) nắm 3,32%, quỹ Mutual Fund Elite (Phần Lan) nắm 7,32% vốn, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) nắm khoảng 4,17% cổ phần tại PAN.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2018, PAN đặt kế hoạch doanh thu năm 2018 đạt 8.786 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 626 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2018, PAN đạt doanh thu hợp nhất vượt 3.546 tỷ đồng, tăng 136% và thực hiện 40% kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 204,7 tỷ đồng.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, nới room không phải là điều quan trọng, quan trọng là quản trị doanh nghiệp, giúp công ty phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài quyết định rót vốn vì tin vào chất lượng và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp hết room là doanh nghiệp chất lượng cao, được các nhà đầu tư quan tâm.
Như vậy, động thái khóa room ngoại ở tỷ lệ 49% của PAN, theo giới chuyên môn, là rất khôn ngoan, bởi theo quy định của Luật Đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài sẽ bị hạn chế cấp phép một số ngành nghề như bán lẻ hay dược phẩm… Trong khi đó, theo đồn đoán, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN còn muốn lấn sân sang lĩnh vực phân phối, bán lẻ.
Có thể, ông Hưng đã rút kinh nghiệm từ trường hợp Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Còn nhớ, ngay sau khi Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực, giúp doanh nghiệp quyền quyết định việc có mở “room” lên 100%, SSI là doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất nới room lên 100%. Lập tức, nhà đầu tư ngoại Daiwa Securities Group Inc đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại SSI, đồng thời Quỹ Market Vectors Vietnam ETF cũng thêm công ty này vào danh mục trong kỳ rà soát, cơ cấu sau đó, tạo nên đợt tăng giá tích cực cho giá cổ phiếu trên thị trường.
Song ở lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng lại khác. Quy định giới hạn sở hữu cho khối ngoại hiện nay chưa cho phép tất cả các ngành đều được nới room sở hữu cho khối ngoại lên 100% và nhiều ngành vẫn duy trì ở mức thấp hơn 49%. Đây là rào cản khiến những doanh nghiệp dù muốn, cũng chưa thể thực hiện được. Bên cạnh đó, với nhiều doanh nghiệp, khi thay đổi sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến việc phải loại bớt một số ngành nghề kinh doanh. Điều này khiến doanh nghiệp phải lựa chọn, cân nhắc khi quyết định vấn đề về room.
Vài năm gần đây, cùng với hoạt động tái cấu trúc các mảng kinh doanh cốt lõi, hoàn thiện hệ thống nền tảng nông nghiệp và thực phẩm, PAN liên tục đẩy mạnh hoạt động M&A thông qua việc mua lại và gia tăng sở hữu tại các công ty nông nghiệp, thực phẩm có nền tảng kinh doanh tốt và bền vững. Đồng thời, Tập đoàn cũng thực hiện đầu tư, phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh doanh và các nguồn lực sẵn có.