Không ít dự án đã khiến người mua thất vọng khi khoảng cách giữa nhà mẫu và nhà thật khác "một trời, một vực"! (Ảnh minh họa) |
Và như các cụ đã nói, “không ai mang dùi đục đi hỏi vợ”. Những gì đẹp đẽ, hấp dẫn nhất sẽ được trình bày ở nhà mẫu.
Được chăm chút tỉ mỉ về thiết kế và bố trí nội thất, tiện ích cầu kỳ, bắt mắt, cảm tưởng của nhiều khách hàng khi đến tham quan những căn nhà mẫu, trong vài bước chân là đã muốn xuống tiền mua một "căn hộ mơ ước".
Thế nhưng, thực tế sau đó, không ít dự án đã khiến người mua thất vọng khi khoảng cách giữa nhà mẫu và nhà thật khác "một trời, một vực"!
Tại một dự án hiện đại nhất nhì cả nước, chủ đầu tư đưa ra căn hộ mẫu với ban công rộng lớn, nhưng đến khi nhận nhà thật, cửa ban công chưa bằng một nửa so với nhà mẫu… Cũng tại dự án, chẳng hiểu vì lý do gì, có căn, chủ đầu tư quên cả đá lát sàn, có căn quên thiết bị toilet, nhà bếp...
Tại một dự án cao cấp khác, trong khi danh mục các vật liệu trang trí nội thất trong hợp đồng chủ đầu tư chú thích "tương đương" với thương hiệu A, B, C của Italy, Mỹ, Nhật… và nhà mẫu đúng là sử dụng các thiết bị cao cấp này. Thế nhưng, đến khi nhận nhà thật, khách hàng tá hỏa, bởi chủ đầu tư toàn dùng hàng Trung Quốc.
Đó là chưa kể tới chuyện, có dự án, cư dân dọn về ở tới cả năm trời, nhưng không hề có biên bản bàn giao căn hộ. Tìm hiểm mới biết, căn hộ hụt cả chục phần trăm diện tích, nên chủ đầu tư không dám đo đạc, thực hiện bàn giao nhà cho khách hàng!
Không chỉ nội thất, mà nhiều khách hàng cũng ngỡ ngàng với ngoại thất của dự án khi thực tế trái ngược hẳn so với lời giới thiệu, hay cảnh quan mẫu của dự án. Chào mời khách hàng về thiên đường sống xanh, cùng khu vui chơi giải trí, nhưng thực tế, “hầu hết các chung cư đều có vi phạm hoặc mập mờ trong quản lý không gian chung. Tình trạng này khiến cư dân tại nhiều khu chung cư yêu cầu phải có sự minh bạch, trả lại không gian chung cho cộng đồng”, như chia sẻ của một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội.
Một trong những điển hình phải kể đến Tòa nhà Sông Hồng Parkview tại 165 Thái Hà, Hà Nội. Theo quy hoạch, dự án gồm 2 khối nhà 21 tầng, 1 khối nhà văn phòng làm việc và cửa hàng kinh doanh 11 tầng, tổng diện tích khu đất là 5.283 m2, diện tích xây dựng 3.520 m2, mật độ xây dựng 66,6%, với số tầng hầm theo đăng ký là 2 tầng.
Tuy nhiên, đến khi bàn giao, mật độ xây dựng bỗng tăng vọt thành 100%, trong khi khi số tầng khối nhà sau khi hoàn thiện lên tới 26 tầng nổi, còn khối nhà văn phòng làm việc và cửa hàng kinh doanh cũng xây lên thành 15 tầng. Ngoài ra, trong thiết kế có lối thoát hiểm chung, nhưng đã bị chủ đầu tư "hô biến" thành bể bơi 4 mùa để khai thác kinh doanh thu tiền.
Không những thế, ngay ở tầng đế, theo giới thiệu là tiện ích hiện đại phục vụ người dân là siêu thị, lại biến thành câu lạc bộ bia tươi, kiêm quán bar ồn ào. Và cư dân tại tòa nhà phải “cạnh tranh” chỗ đỗ xe với khách của quán bar.
Tất nhiên, không phải dự án bất động sản nào cũng rơi vào tình trạng như vậy.
Với nhận thức “khách hàng là thượng đế” và hơn thế nữa là mong muốn tạo dựng niềm tin tuyệt đối với khách hàng, theo tìm hiểu của người viết, thời gian qua, vẫn có một số chủ đầu tư uy tín như Phú Mỹ Hưng, Vingroup, Him Lam, Hải Đăng, Capital House…, đã chứng minh uy tín của mình bằng các dự án thật chứ, không chỉ đẹp “trên giấy”. Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án Royal City, Times City, Him Lam Riverside, The Hyco4 Tower, HD Mon City, hay kể cả dự án nhà bình dân như Ecolife Capitol…
Thế nhưng, con số này thực tế còn quá khiêm tốn so với hàng trăm chủ đầu tư và hàng ngàn dự án đang triển khai trên thị trường hiện tại.
Điều này phản ánh một thực tế, trong bài toán phát triển dự án, yếu tố lợi nhuận vẫn luôn được chủ đầu tư đặt lên hàng đầu so với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với khách hàng và trách nhiệm với cả thương hiệu của bản thân các doanh nghiệp.