Điểm nóng
Khoảng trống tái định cư ở Khu kinh tế Dung Quất
Hà Minh - 13/10/2021 10:02
Tại Khu kinh tế Dung Quất, các nhà máy đều đặn mọc lên và mở rộng, nhưng các dự án tái định cư thì ì ạch, có dự án đã qua nửa thập niên mà vẫn nằm… trên giấy.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (bìa trái) tìm hiểu nguyện vọng của người dân trong diện phải di dời tại xã Bình Thuận.

Dự án tái định cư dang dở

Nhà ông Lê Quang Hải (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) nằm cạnh Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất. Tại vị trí này, tỉnh Quảng Ngãi đã lên kế hoạch di dời dân từ nhiều năm trước để bố trí đất cho dự án mở rộng khu liên hợp thép. Nhà máy giai đoạn I đã xong, chủ đầu tư đang lên kế hoạch xây dựng giai đoạn II, nhưng khu tái định cư cho dân vẫn chưa xong, nên gia đình ông Hải vẫn… giữ nguyên vị trí này.

Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận) gần 18 năm sống trong ngôi nhà cấp 4 thuộc khu vực quy hoạch Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất, nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Nơi ở mới cũng chưa được bố trí, nên gia đình ông đi không được, ở không xong, sửa sang nhà cửa không được phép, vay vốn làm ăn không đủ thủ tục…

Tính đến ngày 30/9/2021, Khu kinh tế Dung Quất có 305 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 375.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 42,6%. Để di dời người dân vùng dự án công nghiệp ở khu kinh tế này, Quảng Ngãi đã đầu tư 25 khu tái định cư, với tổng cộng hơn 4.960 lô đất, trong đó 3.184 lô đã bố trí cho người dân ở các dự án.

Theo thống kê, tại Khu kinh tế Dung Quất, các xã Bình Trị, Bình Trị Đông và Bình Thuận có số hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nhiều nhất. Riêng xã Bình Trị cơ bản tái định cư ổn định cho người dân khu vực Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Doosan Vina… Còn xã Bình Trị Đông, Bình Thuận hiện có hơn 400 hộ dân với cả ngàn nhân khẩu cần phải di dời để bàn giao mặt bằng cho Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất.

Đối với các dự án mới thu hút đầu tư như Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư 4 khu tái định cư với khoảng 1.700 lô đất để bố trí người dân vào nơi ở an toàn. Tuy nhiên, các khu tái định cư này vẫn chưa xong phần hạ tầng kỹ thuật để đón dân vào ở.

Cụ thể, Khu dân cư Cà Ninh thuộc Dự án Kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền - đập Cà Ninh triển khai từ năm 2014 trên 65 ha, do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc thi công chính. Với tổng mức đầu tư hơn 695 tỷ đồng, dự án này bố trí 1.077 lô tái định cư cho người dân. “Sau 6 năm thực hiện, việc thi công hạ tầng điện, đường, hệ thống thoát nước mới đạt trên 70% khối lượng; mặt bằng sạch đủ điều kiện bố trí cho người dân chỉ đạt khoảng 50%”, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết.

Khu dân cư Mẫu Trạch phục vụ tái định cư cho khoảng 100 hộ dân cũng đang… lem nhem. Dự án có kinh phí đầu tư 46,5 tỷ đồng, được xây dựng trên 5,3 ha, hiện chỉ đạt 60% khối lượng xây lắp với giao thông nội bộ chắp vá, cấp thoát nước nửa vời. Những hy vọng tái định cư cho dân vùng dự án dồn hết vào Khu tái định Vạn Tường 1 và 2 (thuộc xã Bình Hải) có tổng diện tích 25,7 ha, kinh phí 300 tỷ đồng do ngân sách đầu tư để bố trí khoảng 200 hộ dân, nhưng hiện trạng khu vực này vẫn còn là… rừng cây.

Lý giải về việc kéo dài, chậm hoàn thiện các khu tái định cư, khu dân cư, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho rằng, do thiếu kinh phí, vướng đền bù; HĐND, UBND tỉnh chậm ban hành giá đất, chậm bổ sung kế hoạch sử dụng đất.

Nhiều bất cập

Theo đại diện Ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất hiện có hơn 800 lô đất hoàn thiện có thể bố trí cho người dân vào sinh sống, nhưng nhiều hộ dân không chịu di dời đến. Trong số 400 hộ dân di dời bố trí mặt bằng cho Khu liên hợp  thép Hòa Phát Dung Quất, chỉ có gần 50 hộ di dời vào các khu tái định cơ hiện hữu; hơn 350 hộ dân muốn vào Khu dân cư Vạn Tường (chưa được xây dựng).

“UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân vào các khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng, nhưng dân cứ muốn chờ nơi chưa xây dựng”, vị đại diện Ban quản lý cho biết.

Để chung tay an sinh xã hội cùng địa phương, một số doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, trong đó có Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, đã chủ động đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép doanh nghiệp ứng kinh phí cho địa phương để nhanh chóng hoàn thành Khu dân cư Cà Ninh. Đơn vị này còn đề xuất đầu tư xây dựng các khu tái định cư khoảng 2.000 lô trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Trước đề nghị trên, tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lấy ý kiến các sở: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế tỉnh và UBND huyện Bình Sơn xem xét, cho ý kiến trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi, hiện Sở mới nhận được ý kiến của các sở Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Cục Thuế tỉnh. Trong đó, nội dung ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa phù hợp với yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tham vấn.

“Tại Khu kinh tế Dung Quất, người dân bức xúc, doanh nghiệp bất an; các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phối hợp chưa đồng bộ, quy hoạch chưa khoa học, hợp lý; quản lý quy hoạch không tốt tại các dự án tái định cư, chậm bố trí tái định cư…”, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Theo ông Minh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu UBND huyện Bình Sơn khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư để chậm nhất đến tháng 10/2021 phải khởi công Khu tái định cư Vạn Tường, hoàn thành dự án này sau 12 tháng thi công, sắp xếp, bố trí đảm bảo các quyền lợi cho các hộ dân, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho dự án và tranh thủ cơ hội thu hút các dự án đầu tư lớn đã và đang đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác