Thị trường dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt doanh số hàng chục ngàn tỷ đồng/năm trong vài năm tới. |
Thị phần đứng hình suốt 3 năm
Năm 2019, tổng doanh thu thị trường điện toán đám mây đạt khoảng 133 triệu USD, tương đương 3.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 20% thị phần, có 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước.
Đến tháng 6/2022, tại Hội nghị Data Center and Cloud Infrastructure Summit 2022, số liệu do Viện Chiến lược thông tin và truyền thông cho biết, Việt Nam vẫn chỉ có 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư. Doanh thu có tăng trưởng, ước đạt 4.500 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, với khoảng 900 tỷ đồng. Còn lại 80% thị phần nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài như Amazon Web Services (33%), Google (21%), Microsoft (21%)...
Thời gian qua, thị trường điện toán đám mây đã có sự phát triển khá mạnh về nhu cầu sử dụng dịch vụ. Các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam cũng đã có nỗ lực rất lớn trong thị trường khốc liệt này.
Theo ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC, trong 10 năm qua, lưu lượng dữ liệu tại Việt Nam đã tăng gấp 7 lần, lưu lượng kết nối trong nước tăng 40 lần về băng thông, lưu lượng kết nối quốc tế tăng 25 lần. Số lượng thuê bao Internet hiện chiếm tới 75% tổng số hộ gia đình Việt Nam.
“Trong những năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ dữ liệu đơn lẻ, thì đến nay, các nhà cung cấp Make in Vietnam đã mang tới một hệ sinh thái đa dạng với hơn 30 sản phẩm, dịch vụ khác nhau, giúp giải quyết cơ bản nhu cầu trong nước”, ông Ngọc cho biết.
Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (cloud) trong nước có lợi thế cạnh tranh về mức giá linh hoạt, đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng. Còn doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tài chính dồi dào, công nghệ mới, dành mức giá khá rẻ cho tập khách hàng trung thành, cùng nhiều chương trình khuyến mãi thu hút người dùng mới.
Có thể thấy, khoảng cách giữa các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Amazon, Google, Microsoft với các nhà cung cấp Việt Nam vẫn còn khá xa. Việc cạnh tranh, nâng thị phần, tiến tới làm chủ thị trường là rất khó khăn.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ đám mây rất lớn. Với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tăng cao và các đơn vị cung cấp các dịch vụ lưu trữ đám mây cũng đã bắt đầu thu phí người dùng hàng loạt, như iCloud (thu 228.000 đồng/năm cho 50 GB lưu trữ), ông lớn Google (thu 450.000 đồng/năm cho 100 GB lưu trữ). Nếu như xu hướng cloud vẫn tiếp tục phát triển cho đến khi 100 triệu người tại Việt Nam đều sử dụng dịch vụ đám mây, thì riêng thị trường lưu trữ đám mây có thể lên đến 10.800 tỷ đồng. Còn đến năm 2025, nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt chuyển sang dùng dịch vụ đám mây, thì thị trường sẽ đạt hơn 53.200 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).
“Thị trường đám mây có vài trăm dịch vụ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới đáp ứng được trên dưới 30 dịch vụ, nên không gian thị trường còn mênh mông”, ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc VinaPhone nhận xét.
Cùng với nhu cầu tăng cao, thì bản thân doanh nghiệp Việt cũng đang nắm những lợi thế nhất định.
Theo đánh giá của ông Lê Trung Thành, Giám đốc Kỹ thuật số IDG Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế trong việc tiếp cận khách hàng, nắm bắt được điểm yếu, điểm mạnh của khách hàng trong nước; sở hữu đội ngũ kỹ sư tại chỗ, hiểu biết về thị trường nội địa để Việt hóa các ứng dụng; có tinh thần đồng hành cùng khách hàng để giải quyết từng phần về công nghệ…
Cơ hội “lật ngược thế cờ” của doanh nghiệp Việt là có khi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp nội cung cấp.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội phát triển từ điện toán đám mây, bởi Malaysia cũng đang nước rút trong lĩnh vực này và có xu hướng chuyển dịch trung tâm dữ liệu khỏi Singapore vì nước này có diện tích chật, giá điện cao.
“Chúng ta cần triển khai sớm hạ tầng 5G, trung tâm dữ liệu, truyền dẫn mặt đất tốc độ cao - những nền tảng quan trọng của hạ tầng số. Việt Nam có nhiều đơn vị cung cấp đám mây như Viettel, CMC, VNPT… và cần liên kết xây dựng mô hình multi-cloud”, ông Chính đề xuất.
Liên quan vấn đề này, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông từng chia sẻ rằng, nếu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây làm như cách các doanh nghiệp công nghệ thông tin làm trước đây về cung cấp dịch vụ thì không bao giờ đạt được kỳ vọng 1% GDP, đóng góp 20% vào kinh tế số. Do đó, các doanh nghiệp phải tính toán, xem xét các lợi thế, chất lượng, dịch vụ, thị trường, đường truyền… và đề xuất Nhà nước hỗ trợ.
Ông Long đề nghị các doanh nghiệp điện toán đám mây phải hợp tác mạnh mẽ, chia theo nhóm làm nền tảng, hạ tầng, dịch vụ điện toán đám mây để hợp tác, phát triển. Làm việc theo nhóm để điện toán đám mây của Việt Nam mạnh lên, được tập trung đầu tư để phát triển. Cơ quan nhà nước sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường, nhưng doanh nghiệp phải chứng minh đảm bảo về công nghệ, kỹ thuật để cùng tiến tới hệ sinh thái toàn diện, liên kết.
Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam đề xuất, cần có quy hoạch và cấp phép với hạ tầng này để các đơn vị lưu trữ dữ liệu, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm như với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Khi có hành lang pháp lý sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong nước. Khi đó, với các nền tảng của mình, doanh nghiệp sẽ phát triển hạ tầng số khá mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của nước ngoài.