Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 |
UBND Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo nghiên cứu xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Theo đó, dự án sẽ chuyển từ hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) sang đầu tư công.
Nếu chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, dự kiến Hà Nội sẽ phải bố trí khoảng 300 tỉ đồng cho dự án này trong năm 2020. Các năm tiếp theo, nguồn vốn sẽ được bố trí từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 (nếu có), và chuyển từ các dự án chậm triển khai, không có khả năng thực hiện sang, cũng như huy động thêm nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô….
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có chiều rộng 19m, với 4 làn xe. Trong đó, có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ. Cầu Vĩnh Tuy mới sẽ cách cầu cũ 2m.
Việc xây dựng giai đoạn 2 là bước hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó. Dự án dự kiến sẽ được bắt đầu khởi công xây dựng từ cuối năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.
Tổng vốn đầu tư xây dựng dự án khoảng 2.560 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.800 tỷ đồng. Trước đó, nhà đầu tư đã rút lui, bởi thời điểm này các dự án đầu tư theo hình thức BT đang phải tạm dừng để chờ nghị định mới của Chính phủ.
Đây là cây cầu huyết mạch nằm trên trục Vành đai 2, nối trung tâm Thủ đô với quận Long Biên, huyện Gia Lâm và quốc lộ 5 đi các tỉnh thành phía Bắc. Hiện, cầu Vĩnh Tuy thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm do lưu lượng lớn phương tiện di chuyển qua.
Theo thiết kế cầu Vĩnh Tuy rộng 38m, dài 5,8km. Trong đó phần vượt sông dài 3,7km, đường dẫn hai đầu 1,68km, nhưng do thiếu vốn nên năm 2009 mới hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng.
Phối cảnh cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Sở GTVT TP HCM. |
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh cuối năm nay sẽ khởi công một loạt các dự án giao thông bao gồm hai hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), hai cầu vượt trước Bến xe Miền Đông và 5 dự án khác.
Hầm chui tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) có thể khởi công cuối tháng 12/2019. Một dự án khác dự kiến khởi công trong năm nay là cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP HCM, và thị xã Dĩ An, Bình Dương) nhằm kết nối giao thông khi bến xe này đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết đã xây dựng phương án mở rộng các quốc lộ ở cửa ngõ thành phố như: quốc lộ 13, 22, 1, 50 và nút giao An Phú. Trong 10 ngày nữa các phương án sẽ được báo cáo thường trực HĐND thành phố. Nếu được thông qua và hoàn tất các thủ tục liên quan, đến năm 2023 việc mở rộng các tuyến đường có thể hoàn thành.