Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có chuyến công tác và làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về tình hình cung ứng điện và triển khai đầu tư xây dựng dự án Đường dây (ĐZ) 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2.
EVN cho biết, Tập đoàn đang đầu tư dự án ĐZ 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, trong đó đoạn tuyến đi qua địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với chiều dài 30,6 km. Dự kiến tổng vị trí trụ điện là 71 vị trí, diện tích đất thu hồi móng trụ: 10,27 ha; diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến 98 ha.
Dự án Đường dây (ĐZ) 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 đang được EVN phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để có thể khởi công xây dựng vào tháng 9/2017. |
Đây là dự án cấp bách nhằm nâng cao năng lực truyền tải hệ thống 500 kV Bắc - Nam để đảm bảo cấp điện cho miền Nam và truyền tải công suất các nhà máy điện, trong đó gồm cả các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, II, III.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh và yêu cầu đẩy sớm tiến độ để khởi công dự án tháng 9/2017; hoàn thành đưa vào vận hành trong quý I/2019 (trước mùa khô năm 2019).
Chính vì vậy, để dự án triển khai thuận lợi, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, EVN rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền địa phương.
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh đều thống nhất chủ trương và quyết tâm cao cùng với EVN, đơn vị tham gia dự án triển khai đoạn tuyến qua tỉnh Hà Tĩnh đồng bộ, kịp thời đáp ứng tiến độ dự án theo yêu cầu Chính phủ giao, trong đó sẽ tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh sẽ cùng phối hợp với chủ đầu tư sớm công bố dự án; kiểm tra và phối hợp chặt chẽ trong công tác khảo sát cắm mốc, tuyến đường dây để giảm thiểu khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Những năm qua, EVN luôn quan tâm và đầu tư kịp thời đồng bộ hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực Bắc Trung bộ, cũng như tăng cường liên kết lưới điện Bắc - Trung - Nam. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng vốn đầu tư lưới điện là hơn 2.400 tỷ đồng, gồm 06 công trình lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV và 04 công trình lưới điện phân phối 110 kV.