| ||
Công ty cổ phần Đèo Cả đang gấp rút triển khai xây dựng khu tái định cư |
Trước năm 1989, Phú Yên và Khánh Hòa có chung tên gọi là tỉnh Phú Khánh.
Tuy đã được chia tách, nhưng hai địa phương vẫn cùng hội tụ những tiềm năng phát triển tương đồng, đặc biệt là du lịch.
Thiên nhiên đã vô tình để Đèo Cả trở thành mốc lộ giới chia cách tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Tuy rất gần, nhưng cũng rất xa và tuy tương đồng, nhưng điều kiện phát triển của hai địa phương đã có khác biệt.
Cuối năm 2012, Bộ Giao thông - Vận tải và Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã chính thức khởi công xây dựng Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đi qua 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, mở ra cơ hội để hai địa phương này xích lại gần nhau hơn, cùng hợp tác phát huy tiềm năng hỗ trợ kinh tế phát triển.
Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án hầm Đèo Cả đánh giá cao nỗ lực của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư Dự án. “Hầm đường bộ Đèo Cả là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, thuộc nhóm A, đây là lý do khiến lãnh đạo Phú Yên và Khánh Hòa quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư triển khai Dự án”, ông Trúc nói.
Theo ông Trúc, Phú Yên là một trong những địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với bờ biển dài cát trắng, những bãi đá in đậm kiệt tác thiên nhiên, như gềnh Ráng, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan… Nhưng do điều kiện hạ tầng còn hạn chế, nên địa phương chưa khai thác hết tiềm năng hiện có để phát triển dịch vụ du lịch xứng tầm.
“Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và gần hơn là Cảng hàng không sân bay Tuy Hòa (sẽ chính thức khánh thành vào đầu tháng 9 tới) là bước đệm cần thiết để Phú Yên phát huy lợi thế của mình, đưa ngành dịch vụ du lịch phát triển”, ông Trúc khẳng định.
Trong buổi làm việc gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, Phú Yên và Khánh Hòa trước đây là một và bây giờ cũng thế, cần nương tựa nhau để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, xã hội. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm, hỗ trợ kinh tế Phú Yên phát triển.
Nói như vậy để khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Dự án hầm Đèo Cả. Trước đây, nhiều nhà đầu tư nhìn Phú Yên nói chung và khu vực Vũng Rô nói riêng dưới dạng tiềm ẩn. Nhưng Dự án hầm Đèo Cả sẽ khiến Phú Yên xích lại gần hơn với khu vực kinh tế phía Nam để liên kết với Khánh Hòa, tạo nên một chuỗi dịch vụ du lịch biển xứng tầm quốc tế.
| ||
Sau khi hầm đường bộ Đèo Cả hoàn thành, Phú Yên kỳ vọng sẽ phát huy tiềm năng du lịch, hỗ trợ phát triển kinh tế |
Không những vậy, viễn cảnh thu hút đầu tư của Phú Yên sẽ khởi sắc hơn rất nhiều, sau khi Dự án hầm Đèo Cả khởi động với tiến độ rất nhanh, thông qua sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, các đối tác tài chính, các nhà thầu. Điển hình nhất là trong năm 2013, Dự án Lọc dầu Vũng Rô sẽ chính thức khởi công, tạo một làn sóng mới để thu hút các dự án vệ tinh lọc hóa dầu trong tương lai.
Liên quan đến tiến độ Dự án, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả cho biết, bên cạnh việc hoàn tất công tác thu xếp nguồn vốn triển khai dự án, chủ đầu tư dự án đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai những phần việc quan trọng, như triển khai hạ tầng khu tái định cư, hoàn tất công tác thiết kế, khảo sát, lựa chọn nhà thầu…
Đặc biệt, ngày 26/5 tới, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả chính thức tổ chức động thổ gói thầu xây dựng hầm Cổ Mã, có chiều dài 500 m, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là việc cụ thể hóa cam kết của chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng sự kỳ vọng của Chính phủ, chính quyền địa phương, cũng như người dân vào dự án này.
Cũng trong ngày 26/5, tại Km1374+600 thuộc thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, sẽ diễn ra Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 Đoạn Km 1.374+525 - Km 1.392 và Km 1.405 - Km 1.425, tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT trị giá hơn 2.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Dự án này đã được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tài trợ vốn và hợp đồng tài trợ đã chính thức được ký kết trước đó vào ngày 22/5.
Đây là dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, cũng như nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Nghị quyết 13 NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Chiến lược Phát triển giao thông - vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, định hướng phát triển hạ tầng giao thông về đường bộ là ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, hoàn thành phần lớn vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020. Với giải pháp thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 37,5 km (không bao gồm đoạn tuyến Km 1.392 - Km 1.405 đi qua thị trấn Vạn Giã). Điểm đầu dự án là Km 1.374+525, thuộc huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa (giáp với điểm cuối Dự án Hầm Đèo Cả) và điểm cuối là Km 1.425 (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa); hướng tuyến bám theo Quốc lộ 1 hiện hữu. Toàn tuyến có 18 cây cầu, với tổng chiều dài 575,45 m.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế là 80 km/giờ. Bề rộng nền đường là 20,5 m, bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Đoạn qua khu đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, bề rộng nền đường là 25,5 m, bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và hệ thống thoát nước dọc.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả - Khánh Hòa cho biết, đây là dự án nằm trong những phân đoạn quan trọng của Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ. Khi hoàn thành, Dự án sẽ là động lực kinh tế, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Sơn Thắng