Theo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023 theo hướng mở rộng ra phía khu nước trước bến hiện tại thêm 35m, tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT) đầy tải.
Kết cấu bến cũng sẽ được tính toán thiết kế đảm bảo neo cập cho tàu hàng tổng hợp, tàu container 50.000 tấn đầy tải trong giai đoạn sau, phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng Cảng Quy Nhơn theo Quyết định số 2370/2016 của Bộ GTVT. Việc đầu tư nâng cấp bến đảm bảo nâng công suất xếp dỡ, thông qua hàng hóa của Cảng Quy Nhơn từ 8 triệu tấn/năm lên đến 15 triệu tấn/năm.
Việc đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử E-PORT đáp ứng được xu hướng chuyển đổi số của VIMC, đồng thời góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ này giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu hàng hóa thực tế 24/7, đảm bảo tính trung thực và tiết kiệm chi phí quản lý hàng hóa trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ cảng biển; nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến thủ tục quy trình giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi, tiến tới thanh toán điện tử hoàn toàn.
Triển khai Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 cùng với phát triển công nghệ thông tin trên lĩnh vực cảng biển thể hiện quyết tâm của VIMC và QNP trong việc thực hiện cam kết với Chính phủ và UBND tỉnh Bình Định về đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động Cảng Quy Nhơn, khẳng định vị thế của Cảng Quy Nhơn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, Cảng Quy Nhơn sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha- gấp 3 lần hiện nay.