Nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được nhiều địa phương trong cả nước đưa vào các trường học. Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Từ kinh nghiệm thực tiễn ở các quốc gia, nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được nhiều địa phương trong cả nước, điển hình là Tp. Hồ Chí Minh đưa vào các trường học từ bậc phổ thông đến đại học; qua đó, tạo sức lan tỏa rộng khắp, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực khởi nghiệp, hiện nay, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam còn non trẻ so với thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp một cách mạnh mẽ. Trong đó, có hàng trăm Trường đại học, Viện – nơi được coi là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp, đang hoạt động khắp cả nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta đang thiếu những giải pháp căn cơ về đổi mới nền giáo dục, hướng tới việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ.
Bài học từ các quốc gia cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện trong hệ thống giáo dục và xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn với giáo dục – đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế, bà Hồ Thủy Tiên, Viện Nghiên cứu phát triển Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, giáo dục và đào tạo về khởi nghiệp chủ yếu được chú trọng ở bậc sau phổ thông. Nhưng hệ thống giáo dục cũng vẫn chưa xây dựng được chương trình khung hoặc một chương trình chuẩn nào về đào tạo khởi nghiệp. Trong khi đó ở các quốc gia khởi nghiệp như Israel, tinh thần khởi nghiệp đã được giáo dục ngay từ khi còn nhỏ, họ đã xây dựng và phát huy tối đa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Vì vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp, cần có giải pháp cụ thể cho việc xây dựng chương trình khung giáo dục khởi nghiệp ở các cấp, phải xây dựng và hình thành cho người dân thấy được ý nghĩa và lợi ích của khởi nghiệp; từ đó, hình thành ý thức và văn hóa khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm của các trường đại học không phải là tạo được bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mà quan trọng nhất là tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để sinh viên có kiến thức để khởi nghiệp. Sứ mệnh của Trường đại học bên cạnh đào tạo, cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp, tư duy khởi nghiệp, sáng tạo cho sinh viên.
Chia sẻ với sinh viên về chủ đề Khởi nghiệp tại lễ khai khoá Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh năm học 2017-2018, Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, để khởi nghiệp thành công, ngoài vấn đề về vốn, trước hết sinh viên cần được trang bị đầy đủ tri thức, đặc biệt là tri thức tiên tiến. Khởi nghiệp sáng tạo phải gắn liền với khả năng nghiên cứu khoa học, với những sinh viên chọn con đường khởi nghiệp sáng tạo cần rèn luyện, trau dồi khả năng nghiên cứu ngay từ khi học trong nhà trường. Do đó, Trường đại học phải được xem là nguồn sáng tạo tri thức mới và dẫn đầu các cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Đưa vào trường học một cách bài bản
Nắm bắt nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều trường đại học đã mở thêm chuyên ngành đào tạo dài hạn hoặc các chuyên đề ngắn hạn về khởi nghiệp. Tại Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp nằm trong ngành Quản trị kinh doanh đã bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2017-2018. Ông Nguyễn Văn Đương, Phó phòng phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo - Công tác sinh viên nhà trường cho biết, chuyên ngành này nhằm trang bị các kiến thức liên quan đến hoạt động khởi nghiệp kinh doanh, hình thành năng lực khởi sự, phát triển và quản trị có hiệu quả các dự án kinh doanh. Hoàn thành chương trình, người học có thể nắm bắt và vận dụng các kiến thức nền tảng vào thực tiễn khởi nghiệp, các kiến thức quản trị và vận hành doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên với các giải pháp như đào tạo, kết nối sinh viên với hệ sinh thái khởi nghiệp, vấn đề khởi nghiệp cũng được đưa vào giáo dục phổ thông thông qua những phương pháp giáo dục đổi mới, nhẹ nhàng, góp phần trang bị những nền tảng kiến thức, kỹ năng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông.
Trong đó, giáo dục STEM (tích hợp kiến thức các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) là phương pháp được hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh ứng dụng. Giáo dục STEM thúc đẩy hình thành kiến thức, kỹ năng, hướng tới khuyến khích sự sáng tạo của học sinh tạo nền tảng phát triển tinh thần khởi nghiệp cho học sinh.
Đầu năm học 2017-2018, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận 3) là trường đầu tiên của Tp.Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng phòng thực hành STEAM (khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ và thêm yếu tố nghệ thuật). Đây là nơi các em học sinh có thể vận dụng các kiến thức đã học của nhiều bộ môn một cách linh hoạt, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm yêu thích, có thể ứng dụng vào thực tiễn.
Ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết phương pháp giáo dục STEM được ứng dụng nhằm đẩy mạnh đổi mới hoạt động dạy học theo định hướng giáo dục tăng cường năng lực tiếp cận của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thông qua việc vận dụng kiến thức của các môn được tích hợp trong phương pháp này học sinh sẽ hình thành và phát triển năng lực sáng tạo, trau dồi niềm đam mê và các kỹ năng thiết yếu. Không chỉ để học mà còn là nơi để định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong tương lai.