Chia “lửa” cuối năm
Chia sẻ tại Hội thảo “Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng” diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank cho hay, Agribank xác định, ngân hàng luôn đồng hành cùng khách hàng. Từ đầu năm đến tháng 10/2023, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3-4%/năm, tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3-1,5%/năm.
Theo ông Bách, thời gian qua, Agribank đã giảm lãi suất trực tiếp đối với 440.000 tỷ đồng dư nợ hiện hữu, với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỷ đồng cho 1,7 triệu khách hàng. Đến ngày 31/10, nhà băng này đã thực hiện hỗ trợ lãi suất với gần 10.000 lượt giải ngân, doanh số cho vay đạt trên 14.000 tỷ đồng…
Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó, đến ngày 31/10/2023, Agribank đã cơ cấu nợ hơn 34.000 tỷ đồng.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank cũng cho hay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là mong mỏi của các doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm và nỗ lực của các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh đó, HDBank đã nỗ lực thực thi các yêu cầu của cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, Ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hiện hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi.
Cũng theo ông Phương, trong các gói cho vay hiện tại, nhiều khi cho vay là để doanh nghiệp đáp ứng thanh khoản, để thanh toán cho một bên thứ ba. “Điều này không quan trọng nếu chúng tôi nhận thấy sẽ có nguồn tiền trả lại cho gói tín dụng đó. Thanh khoản của tín dụng, nguồn tiền có thể không tăng trưởng, nhưng chúng ta vẫn phải tồn tại cùng nhau, hỗ trợ nhau ở thời điểm này”, ông Phương nói.
Khơi thông dòng vốn
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM cho hay, từ nay đến cuối năm, để kích thích tăng trưởng, trong ngắn hạn, ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết khi nhu cầu vốn tăng cao.
Theo ông Lệnh, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư tốt, niềm tin của người dân vẫn còn. Ngành ngân hàng thực thi và triển khai chính sách, doanh nghiệp cũng cần làm tốt thì sẽ khơi thông được dòng vốn.
PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, nếu GDP tăng 4,7-5%, thì tín dụng chỉ tăng 11-12% là phù hợp, không nên nhắc đến 14-15% nữa. Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro, có kịch bản phát triển kinh doanh bền vững. Tình hình kinh tế bất ổn, doanh nghiệp phải có phương án tác chiến để phản ứng kịp thời, đồng thời học hỏi các công cụ quản trị rủi ro.
Đồng thời, TS. Thành nêu ra các nhóm chính sách quan trọng nhất có ảnh hưởng tới nền kinh tế. Trong đó, tài chính - tiền tệ, lạm phát ổn, thanh khoản ổn, hệ thống tài chính ngân hàng ổn. Lạm phát có thể tăng, nhưng cũng phải ổn. “Nhiều chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024. Lãi suất trước mắt rất khó giảm, áp lực không phải lạm phát, mà chủ yếu là vấn đề tỷ giá. Tôi hy vọng, tỷ giá xuôi hơn, giữ được vĩ mô. Tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14%, với nguyên nhân là không có đầu ra, tiêu chuẩn người đi vay chưa được đáp ứng”, TS. Thành nói.
Ông Trần Hoài Phương cho hay, kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ khởi sắc hơn và ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam có lợi thế trong các thị trường quan trọng như gạo cà phê. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung vào lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. “Lúc này, doanh nghiệp với ngân hàng đến với nhau như những người bạn. Doanh nghiệp với ngân hàng hãy nói rõ với nhau hơn, hiểu về nhau hơn”, ông Phương nhấn mạnh.