Doanh nghiệp
Khởi động Chiến lược Quốc gia về nâng cao năng suất lao động
Mạnh Bôn thực hiện - 02/05/2022 08:03
Đã đến lúc khởi động Chiến lược Quốc gia về nâng cao năng suất lao động, bởi năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng được 0,94 điểm phần trăm.

Phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn trao đổi với ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về vấn đề này.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam thường dẫn đầu về tốc độ tăng năng suất lao động trong khu vực ASEAN, nhưng dịch bệnh đã tác động đáng kể đến đà tăng này. Thưa ông, tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta 2 năm qua thế nào?

Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể và Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động khá cao trong khu vực ASEAN. Năm 2020, năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 117,4 triệu đồng/lao động, gấp 1,5 lần năm 2015 (78,9 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,97%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,53%/năm), trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2019 cao nhất cả giai đoạn 2011-2020 (tăng 6,28%).

Covid-19 đã tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, năng suất lao động của nước ta có xu hướng tăng chậm lại. Theo giá so sánh, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 4,92% 4,71%. Năm 2021, năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 171,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,5 lần năng suất lao động năm 2020, một phần do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020), phần khác do tính theo quy mô GDP sau khi đánh giá lại.

Nền kinh tế đã vận hành trở lại, đã đến lúc khởi động Chiến lược Quốc gia về nâng cao năng suất lao động, bởi năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng được 0,94 điểm phần trăm. 

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Tốc độ tăng năng suất lao động có giảm, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực ASEAN, do năm 2020, GDP của phần lớn các nước tăng trưởng âm và năm 2021 cũng tăng không cao, trong khi Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương với tốc độ tăng GDP lần lượt là 2,91% và 2,58% trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng chưa đủ nhanh, nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Xét về giá trị tuyệt đối, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2017) năm 2020 của Việt Nam chỉ bằng 9,1% mức năng suất của Singapore; 26,2% của Malaysia; 46,8% của Thái Lan; 61,1% của Indonesia; 68,7% của Philippines; 96,5% của Lào. Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn so với Campuchia (gấp 1,9 lần) và Myanmar (gấp 1,3 lần).

Như vậy, để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động với các nước trong khu vực là cả một chặng đường rất dài phía trước, thưa ông?

Muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì đều phải tìm ra nguyên nhân. Đối với bài toán năng suất lao động lao động thấp và thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực cũng phải chỉ rõ nguyên nhân. Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do quy mô nền kinh tế còn nhỏ; cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu…

Do đó, tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào chiều rộng, chủ yếu nhờ tăng vốn đầu tư và thâm dụng lao động. Đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn thấp, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 45,7%, song năm 2021, do hậu quả của đại dịch Covid-19, tỷ trọng này chỉ còn 37,13% - thấp rất xa so với mục tiêu đặt ra là 45-47%.

Năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp vì tăng trưởng GDP dựa chủ yếu vào các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ thấp      Ảnh: Đ.T

Cụ thể, đâu là những nút thắt cần phải tháo gỡ dần từng bước để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động với các nước trong khu vực?

Có 3 yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tăng năng suất lao động, gồm chuyển dịch cơ cấu lao động; thay đổi năng suất trong nội bộ các ngành; tác động đồng thời của chuyển dịch cơ cấu lao động và thay đổi năng suất trong nội bộ ngành (còn gọi là tác động tương tác).

Đối với các nước đang phát triển thì chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp có năng suất thấp sang khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ có năng suất cao như tài chính, ngân hàng... đóng vai trò khá quan trọng vào tăng năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam tuy diễn ra khá nhanh, nhưng hiện vẫn có tới 13,9 triệu người làm việc trong khu vực nông nghiệp, chiếm 27,8% tổng số lao động có việc làm. Lao động trong khu vực nông nghiệp chủ yếu làm việc giản đơn, công việc thời vụ, không ổn định, nên giá trị gia tăng thấp, chỉ bằng 39% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế. Mặt khác, lao động khu vực nông nghiệp khi chuyển dịch cũng chủ yếu sang công nghiệp chế biến - chế tạo có năng suất thấp, hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp.

Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đến nay, tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn chủ yếu dựa vào việc mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt tăng trưởng năng suất lao động nhưng tập trung vào những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp đến trung bình và sử dụng nhiều lao động. Chế biến, chế tạo công nghệ cao chủ yếu là hoạt động lắp ráp, nhập khẩu linh kiện, có giá trị gia tăng thấp nên chưa tạo đột phá về tăng năng suất lao động.

Người lao động cũng muốn nâng cao năng suất lao động để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhưng thưa ông, vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực?

Cùng với kết cấu hạ tầng, thể chế, thì chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu 3 nút thắt của quá trình phát triển. Chính vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, Quốc hội thường đặt ra chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực. Như năm 2022, chỉ tiêu đặt ra là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%. Giả sử năm nay đạt được chỉ tiêu này, thì vẫn còn khoảng 73% lao động chưa được đào tạo để có trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Lao động không qua đào tạo sẽ dẫn tới năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt thấp.

Phải khẳng định rằng, trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng suất lao động, vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và cả kế hoạch 2021-2025, bên cạnh chỉ tiêu lao động qua đào tạo, năng suất lao động và TFP đã được coi là những mục tiêu chủ yếu tương tự như tăng trưởng kinh tế, CPI, tăng trưởng xuất khẩu, bội chi ngân sách…

Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đặt mục tiêu đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, vì năm 2021 bị tác động tiêu cực rất lớn bởi Covid-19.

Để tăng năng suất lao động, cần phải tháo dần nút thắt, như ông đã đề cập ở trên, nhưng cần phải có thời gian. Trước mắt cần phải làm gì, thưa ông?

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tăng năng suất lao động quyết định đến năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, chứ không phải là số lượng lao động, đặc biệt là lao động giá rẻ. Nhận thức rất rõ vấn đề này, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng suất lao động trong giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Nhưng rất đáng tiếc, mọi việc gần như bị ngưng trệ suốt 2 năm vừa qua do tác động tiêu cực của dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài.

Chính vì vậy, đã đến lúc triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 07/CT-TTg, trước mắt là xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về nâng cao năng suất lao động với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực. Chính phủ sớm phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế, trong đó, chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử...) thực hiện thí điểm Chương trình để thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Doanh nghiệp là trụ cột quan trọng nhất trong tăng năng suất lao động, nên cần có Chương trình Quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030.

Tôi cho rằng, đã đến lúc thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, như nhiều nước đã thành lập và hoạt động rất thành công. Ủy ban có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam; đồng thời, cử các đoàn sang học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam. Nâng cao năng suất lao động luôn được các nước coi là một trong các giải pháp trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vì đây là động lực quan trọng nhất của mọi nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác