Cho đến thời điểm này, đã có thể hình dung sơ bộ về hướng tuyến, công năng và cả cơ hội đầu tư vào Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Hòa Lạc - Ba Vì.
| ||
Tuyến đường sắt đô thị sẽ đi nổi trên dải phân cách giữa Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Đức Thanh |
Theo Tờ trình về việc thẩm định và chấp thuận Hồ sơ Dự án vừa được Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tuyến đường sắt đô thị đường đôi, khổ 1.435 mm này có tổng chiều dài chính tuyến 38,43 km, với điểm đầu tại ngã tư Văn Cao và điểm cuối tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thất.
Nếu cộng cả hệ thống đường nhánh kết nối, tuyến đường sắt này có chiều dài lên tới 42,2 km, vượt xa tất cả các tuyến đường sắt đô thị đang được triển khai tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I (hoàn thành năm 2019) xây dựng 15 km chính tuyến từ ga Văn Cao tới ga Song Phương (vành đai 4), gồm 6,2 km đi ngầm, phần còn lại đi nổi trên mặt đất; giai đoạn II (hoàn thành vào năm 2024) xây dựng 23,43 km còn lại chạy trên cao và đi nổi trên mặt đất. Trên tuyến dự kiến bố trí 17 ga, trong đó có 11 ga được xây dựng ngay trong giai đoạn I và 6 ga được lần lượt đầu tư trong giai đoạn II.
Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, không chỉ lập kỷ lục về độ dài, Dự án còn có quy mô vốn lớn nhất trong hệ thống dự án hạ tầng giao thông, với tổng mức đầu tư lên tới 60.272 tỷ đồng.
Được biết, theo bóc tách của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) - đơn vị tư vấn lập Dự án, cơ cấu vốn của Dự án gồm: 17.543 tỷ đồng chi phí xây dựng, 14.904 tỷ đồng chi phí thiết bị, các khoản dự phòng, quản lý dự án, chuyển giao công nghệ và giải phóng mặt bằng.
Hiện chưa rõ, đoàn tàu chạy trên tuyến sẽ sử dụng công nghệ nào, nhưng Cục Đường sắt Việt Nam đã tạm ấn định tốc độ bình quân trên tuyến đối với đoạn đi nổi là 100 km/giờ và đoạn đi ngầm khoảng 80 km/giờ. Như vậy, với tuyến đường sắt đô thị này, hành trình từ Nam Hồ Tây đến Ba Vì sẽ chỉ mất khoảng 30 phút.
Theo đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam, đường sắt đô thị Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Hòa Lạc - Ba Vì là một trong những tuyến hành lang giao thông có tiềm năng lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực phía Tây Thủ đô, liên kết trung tâm Hồ Tây với các trung tâm kinh tế, chính trị mới, như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Sân vận động quốc gia, Khu Hành chính quốc gia, các khu đô thị mới dọc tuyến, Khu đại học quốc gia Hà Nội, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc...
“Đây là giải pháp chủ động giãn dân, chống ùn tắc giao thông ở trung tâm cũ thông qua việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách nhanh và thuận tiện cho người dân”, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khẳng định.
Bất chấp những quan ngại về tính khả thi của Dự án do quy mô vốn rất lớn của công trình, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, cơ quan này đã nhận được tín hiệu quan tâm của một loạt nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
“Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) rất quan tâm tới Dự án và đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư công trình theo hình thức đối tác công - tư (PPP)”, ông Doanh cho biết.
Được biết, một phần quan trọng trong Hồ sơ đầu tư Dự án do TEDI lập được cập nhật, bổ sung trên cơ sở kết quả nghiên cứu của JICA.
Cần phải nói thêm rằng, vào năm 2011, Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông - vận tải (TRICC) và Công ty Dongrim - Hyewonkaci (Hàn Quốc) đã đề xuất xin được đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), với thời gian thu hồi vốn trong 50 năm (đến năm 2043). Hiện chưa rõ lý do vì sao Liên danh này không tiếp tục đẩy Dự án tiến xa hơn.
“Với việc các cơ chế đầu tư theo hình thức PPP đã cơ bản hoàn thiện, nếu có cơ chế chia sẻ rủi ro đủ sức thuyết phục với các nhà đầu tư, Dự án sẽ được triển khai xây dựng trên hiện trường trong vòng 3 năm tới”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI nhận định.
Anh Minh