Mặt bằng đi trước
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa thông qua nội dung tờ trình Quốc hội do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) dự thảo về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) thành dự án thành phần.
Người đứng đầu Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 3 đối với nội dung được đánh giá là mang tính quyết định đến việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành trên thực địa.
Phương án kiến trúc nhà ga hành khách Long Thành 07 lấy ý tưởng từ hình ảnh dừa nước, một đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam. |
Cần phải nói thêm rằng, trong Dự thảo tờ trình Quốc hội được gửi tới Thủ tướng Chính phủ hôm 24/5, Bộ GTVT khẳng định, việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án được Quốc hội thông qua là điều kiện cần nếu không muốn mặt bằng trở thành nút thắt.
Cụ thể, theo tiến độ dự kiến, Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. Trong trường hợp Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thì UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, theo các giai đoạn cụ thể.
Theo tiến độ hiện nay, dự kiến, nếu Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019, thì đến năm 2020, địa phương có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo. Tiến độ giải phóng mặt bằng này cơ bản bám sát thời hạn đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác từ năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cần phải nói thêm rằng, với quy mô diện tích thu hồi lên tới 5.000 ha, dự án hạ tầng giao thông này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 4.000 hộ dân, với 15.000 nhân khẩu.
Đây là thách thức rất lớn, bởi một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể đưa vào vận hành sân bay Long Thành giai đoạn I vào năm 2025 là tỉnh Đồng Nai phải bàn giao ít nhất 2.500 ha không chậm hơn đầu năm 2019.
Trường hợp không được tách trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thì sau khi Dự án được phê duyệt (dự kiến vào năm 2019), tỉnh Đồng Nai mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu tái định cư và sau đó thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của 5.000 ha.
Điều đáng nói là, do việc triển khai thi công sẽ phải phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng, nên có thể sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án khoảng 2 - 3 năm, chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng do giá thị trường xung quanh khu vực dự án liên tục tăng, tình trạng đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan trong vùng dự án sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.
Lý và tình
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi phục vụ Dự án lên tới 5.614,65 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng sân bay và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Có tổng cộng 4.730 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức.
Đây là thách thức rất lớn, bởi một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể đưa vào vận hành sân bay Long Thành giai đoạn I vào năm 2025 là tỉnh Đồng Nai phải bàn giao ít nhất 2.500 ha không chậm hơn đầu năm 2019.
“Việc tách nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại thời điểm hiện nay, trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ giúp Dự án triển khai đảm bảo tiến độ, đồng thời tiết kiệm kinh phí và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, việc phân chia dự án thành phần phải được quy định trong nội dung quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ có thể quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần và tổ chức thực hiện độc lập đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đã được Quốc hội thông qua.
“Chính vì vậy, việc xin chủ trương của Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần để sớm triển khai là để đảm bảo tính pháp lý để có thể bắt tay triển khai sớm công việc vất vả, nặng nhọc, phức tạp nhất của một dự án hạ tầng quy mô lớn như sân bay Long Thành”, một chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam nhận xét.
Điều đáng nói là, về mặt tình, đẩy sớm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.
Được biết, quy hoạch sân bay Long Thành trải rộng trên địa bàn 6 xã là Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được công bố vào năm 2005, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, người dân sống trong vùng Dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ... do quyền sử dụng đất bị hạn chế bởi quy hoạch; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, đời sống nhân dân rất khó khăn.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập quy hoạch khu tái định cư và lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư đồng thời với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trì xây dựng cơ chế đặc thù về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án.
Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư; xây dựng Đề án giải quyết việc làm, tổ chức lại đời sống của người dân trong diện di dời, giải tỏa đế thực hiện Dự án.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, với 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch vốn trung hạn đã được Quốc hội thông qua dành cho công tác giải phóng mặt bằng, trước mắt sẽ tập trung bồi thường, di dời và xây dựng khu tái định cư.
Do quy mô giải phóng mặt bằng cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất lớn, nếu tính cả các khu tái định cư có thể lên tới hơn 5.600 ha, nên 5.000 tỷ đồng đã được bố trí là như muối bỏ biển. Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát sơ bộ và cập nhật đơn giá mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai, tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho Dự án là 23.000 tỷ đồng (trong đó có 5.030 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư).
Chính vì vậy, Bộ GTVT đề xuất, trước mắt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện, vì công tác giải phóng mặt bằng khó có thể huy động được từ nguồn vốn vay ODA cũng như kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, cũng có thể hoàn trả một phần vốn này từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dụng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, nguồn thu từ cho thuê đất ngắn hạn đối với các khu vực chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình Dự án.
“Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội việc xem xét cân đối, bổ sung và bố trí vốn cho Dự án”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết.
- Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
- Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Thời gian và lộ trình thực hiện
- Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn.
- Giai đoạn I (đến 2025): Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Giai đoạn II (đến năm 2035): Tiếp tục đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Giai đoạn III (sau năm 2035): Hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quy mô giải phóng mặt bằng
- Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 5.614,65 ha, gồm: 5.000 ha đất xây dựng Cảng hàng không; 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang.
- Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất: 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức (bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp).
- Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng (đơn giá năm 2017).