Thưa ông, lý do vì sao ông tới Việt Nam lần này?
NATS có trụ sở chính ở Anh nhưng chúng tôi cũng đã có mặt tại châu Á và hiện đang thực hiện chiến lược toàn cầu hóa. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thị trường trong khu vực này, ngoài các văn phòng hiện đang được đặt tại Singapore, Hong Kong và Bangkok.
Việt Nam là một thị trường quan trọng của chúng tôi, bởi có ngành hàng không đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Dự báo, lượng hành khách sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020.
Ông Niall Greenwood, Giám đốc Điều hành NATS châu Á - Thái Bình Dương |
Các hãng hàng không Việt Nam đang đưa về rất nhiều máy bay mới. Do đó, ngành hàng không Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, quản lý không lưu... Chúng tôi, với bề dày kinh nghiệm làm việc và quản lý các sân bay một, hai, ba đường băng cũng như các sân bay bận rộn nhất thế giới sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan quản lý hàng không Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn.
Chúng tôi có tới khoảng 100 giải pháp công nghệ khác nhau, liên quan đến quản lý cất - hạ cánh, quản lý máy bay tại sân bay, giải quyết các vấn đề chậm chuyến - hủy chuyến, cân đối công suất sân bay, điều hành sân bay, giải pháp quản lý các chuyến bay về cả thời gian và khoảng cách.
Hiện tại, Việt Nam đang đau đầu về tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Liệu các giải pháp của NATS có góp phần giải quyết được tình trạng này?
Sân bay Tân Sơn Nhất đúng là đang bị quá tải. Lưu lượng hành khách, các chuyến bay đi - đến tại sân bay này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, và do đó cần các giải pháp công nghệ, quy trình và cả đào tạo nhân lực để giúp Tân Sơn Nhất tăng công suất, khai thác hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, NATS chưa thực hiện nghiên cứu chuyên sâu cụ thể nên chưa được ra được ước lượng cụ thể là liệu các giải pháp của NATS sẽ hỗ trợ giảm tải cho Tân Sơn Nhất như thế nào. Nhưng tôi có thể đưa ra một ví dụ thế này.
Sân bay Gatwick (London) được xây dựng vào năm 1982, với mục tiêu phục vụ 300 lượt cất - hạ cánh (movement) mỗi ngày. Nhưng hiện nay, nhờ vào công nghệ của NATS, chúng tôi đã có thể tăng công suất lên 900 lượt cất - hạ cánh mỗi ngày. Thậm chí, vào thời gian cao điểm, công suất có thể tăng lên con số hàng nghìn.
Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành. NATS có quan tâm tới kế hoạch này?
Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025. Từ nay tới đó, còn 8 năm nữa. Hiện nay, các vấn đề đối với sân bay Tân Sơn Nhất đã khá nghiêm trọng, mà nếu không xử lý kịp thời, tình hình sẽ ngày càng xấu đi, nhiều chuyến bay vị trễ, hủy hơn. Các vấn đề về an ninh, bảo mật cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Các giải pháp đưa ra cho vấn đề này khá đang dạng, từ tối ưu hóa nhà ga, đường băng, không phận đến điều khiển không lưu...
Sân bay Long Thành là mối quan tâm của NATS vì đó sẽ là một sân bay lớn. NATS luôn mong muốn được đưa các giải pháp quản lý hiệu quả, tối ưu vào các sân bay có lưu lượng, công suất lớn. Hiện tại, NATS đang hỗ trợ quản lý 2,4 triệu chuyến bay và 250 triệu lượt khách mỗi năm tại Anh. Chúng tôi cũng đang tham gia quản lý và cung cấp giải pháp cho nhiều sân bay lớn tại châu Âu. NATS đã có mặt tại châu Á 40-50 năm nay, và đều có quan hệ hợp tác với các sân bay mang tính chất “cửa ngõ” ở Thái Lan, Hong Kong, Singapore…
Vậy kế hoạch cụ thể của NATS tại Việt Nam ra sao? NATS mới chỉ đang tìm hiểu thị trường hay đã bắt đầu cho sự hiện diện tại Việt Nam?
NATS đã gặp và làm việc với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), thành viên CANSO (Tổ chức Các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay) và đã thảo luận về tiềm năng và cơ hội hợp tác trong thời gian tới.
Trước mắt, chúng tôi sẽ hợp tác với VATM để mở các khóa đào tạo, ví dụ kiểm soát viên không lưu. Trong quá trình đó, NATS sẽ tìm hiểu thêm về thị trường Việt Nam. Nếu thuận lợi và có cơ hội, NATS sẽ lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.