Doanh nghiệp
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế
Nhung Bùi - 25/04/2024 11:51
Tuy nhiên hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, từ vốn đến chính sách.

“Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần không còn nữa, việc tăng năng suất trong khu vực tư nhân, đặc biệt là thông qua hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được coi là một trong những hướng đi hàng đầu", ông Đặng Quang Vinh - Chuyên gia Cao cấp Khu vực Tư nhân của World Bank tại Việt Nam cho biết.

Theo báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam do World Bank thực hiện, trong giai đoạn 2010-2020, năng suất lao động tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhờ sự cải thiện về môi trường kinh doanh, chất lượng vốn nhân lực, và dòng vốn FDI lớn đổ vào trong nước. Tuy tăng trưởng tốt, năng suất lao động bình quân của Việt Nam vẫn đứng sau khá xa các quốc gia so sánh.

Bằng việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng suất cao hơn, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được gia nhập; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng suất thấp được thoái lui khỏi thị trường, Việt Nam có thể cải thiện năng suất lao động. “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, như một chuyên gia đề cập rằng trong dài hạn, năng suất lao động là tất cả”, ông Đặng Quang Vinh khẳng định.

Báo cáo của World Bank chỉ ra hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam có nhiều điểm sáng. Tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở Việt Nam cao hơn so với hầu hết các quốc gia OECD, đồng thời các doanh nghiệp mới ở Việt Nam có xu hướng tồn tại được với tỷ lệ cao hơn. Những năm gần đây, tỷ lệ các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường Việt Nam có xu hướng chững lại, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại được lại tăng lên.

Báo cáo đánh giá mặc dù đã có thành công trong triển khai nghị trình khởi nghiệp, nhưng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Chính phủ còn manh mún.

"Hiện có 2 bộ được giao nhiệm vụ chính về hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam: Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách về chính sách đổi mới sáng tạo, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động triển khai chính sách lại bị phân tán ở nhiều cơ quan trực thuộc, dẫn đến chồng chéo và thiếu phối hợp", đại diện World Bank chia sẻ.

Việt Nam cũng chưa có công cụ chính sách đầu tư cổ phần của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp (Tài trợ quỹ, quỹ đầu tư trực tiếp, hoặc quỹ đồng đầu tư). Đề án hỗ trợ khởi nghiệp 844 của quốc gia đã hỗ trợ khoảng 2.000 dự án, nhưng chưa tạo tác động lớn.

Bên cạnh đó, thiếu vốn là trở ngại với các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt những doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Các nhà đầu tư thiên thần, nhìn chung có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu, còn khan hiếm và chưa được chuyên nghiệp hóa. Các quỹ và các nhà đầu tư trong nước còn phải đối mặt nhiều hạn ché, trong đó khung pháp lý chưa tạo động lực để nhiều quỹ đăng ký, dẫn đến tổng đầu tư còn nhỏ.

Các viện, trường đaị học tại Việt Nam chưa đóng góp nhiều vào hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Theo khảo sát trên 240 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam của World Bank, chỉ 12% doanh nghiệp lấy ý tưởng (hoặc cảm hứng) từ nghiên cứu khoa học/học thuật trong nước. Chưa đến 40% tổ chức sử dụng lao động đánh giá sinh viên mới tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kỹ năng, nhất là cho các vị trí đòi hỏi kỹ năng cao.

Trước tình hình thực tế, World Bank khuyến nghị Việt Nam "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc đổi mới Chương trình 844. Thay vì tập trung vào hỗ trợ gián tiếp cho các trung tâm ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp như hiện nay,…đề án 844 nên hỗ trợ trực tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp - những doanh nghiệp đáng đầu tư và tạo ra tác động với nền kinh tế.

Việt Nam cần giải quyết các rào cản quy định đối với việc thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư trong nước (Nghị định 38), đơn giản hóa thủ tục đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai mạnh mẽ chương trình cải cách quy định kinh doanh (Nghị quyết 68) để đơn giản hóa quy định và cắt giảm chi phí tuân thủ.

Trong dài hạn, thông qua mô hình hợp tác công tư, các vườn ươm, cơ sở tăng tốc và trung tâm đào tạo khởi nghiệp tại trường đại học cần được cải thiện năng lực, sau đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho khu vực tư nhân để tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáng đầu tư hơn.

Tin liên quan
Tin khác