Các dự án khởi nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn kỳ vọng được dẫn dắt, kết nối, tạo ra giá trị cộng hưởng giữa các nhà đầu tư. |
Vì sao các nhà đầu tư thiên thần xuất hiện?
Công ty cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Innovation Capital Management - ICM) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp phép đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc ICM khẳng định, không hề có thanh khoản khi đầu tư vào khởi nghiệp chỉ là một trong 5 rủi ro mà các nhà đầu tư thiên thần luôn “phải gánh chịu” khi rót vốn vào các start-up.
Vậy, vì sao các nhà đầu tư thiên thần vẫn xuất hiện?
Theo bà Jan Lederman, Chủ tịch Quỹ Valhalla Angles (Canada), việc thiếu vốn khiến đa số start-up không thành công. Một trong những vòng gọi vốn quan trọng nhất là giai đoạn của các nhà đầu tư thiên thần. Theo mô hình đầu tư của thung lũng Silicon, có 6 vòng gọi vốn/đầu tư trong vòng đời của một start-up. Vốn từ nhà đầu tư thiên thần là chặng thứ 3 trong hành trình này.
Trong khi đó, theo ông Đức, nhà đầu tư thiên thần xuất hiện có thể vì 3 lý do.
Thứ nhất, họ không chỉ đặt mục tiêu kiếm thật nhiều lợi nhuận, mà còn muốn thể hiện sự tri ân với cộng đồng, muốn hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp trở thành doanh nhân.
Thứ hai, nhà đầu tư thiên thần rất quan tâm đến hiệu quả truyền thông, khi sự chắp cánh của họ với các start-up sẽ được xã hội tri ân và lan tỏa rộng.
Thứ ba, đến một thời điểm nào đó, phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp lớn sẽ không còn sự tương tác với thị trường. Vì vậy, thay vì lập ra các phòng R&D, lãnh đạo doanh nghiệp có thể trở thành nhà đầu tư thiên thần, đi tìm lời giải cho bài toán thị trường bằng cách mua lại các start-up - đối tượng đang có những nghiên cứu nhất định về thị trường.
Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên chặng đường hình thành và phát triển đều có một hệ sinh thái riêng. Việc đầu tư thêm vào một số dự án cũng được xem là cơ hội nhằm tối ưu hóa hệ sinh thái. “Họ muốn một chút lợi nhuận, cống hiến cho cộng đồng, tiếp nhận thử thách quản trị và tìm hiểu ngành mới, trải nghiệm để tái khởi nghiệp. Họ muốn giải quyết thử thách cũng như tìm kiếm cơ hội mua bán/sáp nhập hoặc đưa nền tảng của start-up vào chuỗi giá trị của mình”, Tổng giám đốc ICM lý giải.
Hợp sức, hợp vốn để giảm thiểu rủi ro
Ông Randy Thompson, hiện là Chủ tịch, kiêm CEO Vahalla Private Capital, khởi nghiệp từ năm 23 tuổi với một công ty về Internet tại Canada. Thời điểm đó, nền kinh tế Canada phụ thuộc vào dầu khí, bất động sản, không ai hiểu công việc ông làm, vì vậy, việc bán công ty không có nhiều thuận lợi.
Từ đó, ông nghĩ đến việc trở thành nhà đầu tư thiên thần và cùng một số bạn bè, những người đã từng thành lập rồi bán công ty, mời các chuyên gia/nhà đầu tư ở thung lũng Silicon đến Tây Canada để chia sẻ, rồi giúp họ thành lập một nhóm nhà đầu tư thiên thần.
“Để đầu tư vào start-up, chúng tôi đều đã từng thành lập và có kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp”, ông Randy nói và cho rằng, không có sách hướng dẫn hay kim chỉ nam để đầu tư vào start-up.
Quan điểm đầu tư của Quỹ Vahalla là lợi nhuận, chứ không kỳ vọng các công ty mà họ tham gia rót vốn có thể vươn tới định giá trên 1 tỷ USD hay trở thành “Google tiếp theo”.
“Tại thị trường mới nổi như Việt Nam, các start-up có nhiều công nghệ, ý tưởng tốt, nhưng thiếu kinh nghiệm quản trị, khả năng đưa công ty vào giai đoạn tăng trưởng”, Chủ tịch Vahalla chia sẻ và cho biết, ông đã rót vốn vào 60 quỹ và công ty.
Trong số đó, chỉ có 5 công ty thành công trong việc tạo ra lợi nhuận. Số còn lại đang trong trạng thái “Zombie”, hay tạm gọi là “xác sống” khi chưa tạo ra lợi nhuận. Vai trò của nhà đầu tư thiên thần là sẽ tham gia vào các doanh nghiệp này và đưa dự án tiến đến giai đoạn tạo ra lợi nhuận.
Ông Đức nhấn mạnh, có rất nhiều rủi ro chờ sẵn khi đầu tư vào doanh nghiệp start-up trong giai đoạn đầu.
Rủi ro thứ nhất liên quan đến khả năng kinh doanh của dự án, khi mô hình của start-up chưa được kiểm chứng hay thị trường chấp nhận. Đây là điều khác biệt so với việc đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa hay công ty đã niêm yết với mô hình kinh doanh đã được thẩm định chứng minh qua giá trị tài chính.
Rủi ro tiếp theo liên quan đến vấn đề quản lý, khi các nhà sáng lập không chia sẻ thông tin về “sức khoẻ” doanh nghiệp hay chuyển giao công nghệ. Sau khi nhận đầu tư, với ý tưởng sẵn có, nhà sáng lập hoàn toàn có thể thành lập một đội ngũ khác với bản sao từ mô hình, công nghệ… và rút khỏi công ty. “Khi đó, nhà đầu tư ở lại với xác sống. Chưa kể, định giá doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó vì không có báo cáo tài chính, không có bản ghi chép về dòng tiền”, ông Đức nói.
Tổng giám đốc ICM nhấn mạnh, nút thắt lớn nhất của các quỹ đầu tư vào start-up là không có thanh khoản. “Đầu tư vào một bất động sản có giá 5 tỷ đồng, nếu không bán được thì có thể giảm xuống 1 tỷ đồng, còn đầu tư vào khởi nghiệp, tìm mỏi mắt không có người mua”, ông Đức ví dụ.
Để giải quyết các rủi ro này, theo ông Đức, giải pháp là hợp sức, hợp vốn từ nhiều nhà đầu tư thiên thần. Khi đó, mỗi nhà đầu tư sẽ hỗ trợ kinh nghiệm, mối quan hệ của mình cho dự án. Bởi lẽ, các dự án khởi nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn kỳ vọng được dẫn dắt, kết nối, tạo ra giá trị cộng hưởng giữa các nhà đầu tư.