Doanh nghiệp
Khởi nghiệp không chỉ là bắt đầu kinh doanh
Gia Kiệt - 26/01/2016 10:01
“Mọi thứ trên đời xảy ra đều có lý do của nó và thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống. Khó khăn dù lớn đến đâu nhưng nếu cố gắng thì thành công cuối cùng cũng sẽ đến, hay ít nhất là chiến thắng được chính bản thân mình”.

Đó là chia sẻ của doanh nhân trẻ Hứa Cao Trí, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Gia đình Anco (AFF), xoay quanh chuyện khởi nghiệp của bản thân anh.

Dấn thân và chấp nhận đánh đổi

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, song Hứa Cao Trí lại đam mê kinh doanh. Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Trí đã có cơ hội tiếp xúc và nhận ra ngành marketing đã thu hút mình, vì thế anh xác định đi làm thêm không chỉ để trang trải cuộc sống mà còn là quá trình trải nghiệm, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để theo đuổi niềm đam mê ấy, dù bạn bè khuyên và giới thiệu anh đi dạy kèm - một công việc được xem là “nhàn nhã” hơn.

Chấp nhận bắt đầu với vị trí nhân viên hỗ trợ trưng bày sản phẩm, “sau bốn tháng nhiều người đã không nhận ra tôi, tôi đã không còn là một chàng sinh viên thành phố trắng trẻo, thư sinh với cặp kính cận mà thay vào đó là làn da cháy nắng vì hằng ngày phải đi hơn 40km từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, từ chợ này sang chợ khác”, Trí chia sẻ.

Sau ba năm, sự cố gắng ấy đã được đền đáp. Khi bạn bè cùng khóa đi thực tập thì Trí đã được ký hợp đồng chính thức làm việc cho một tập đoàn của Indonesia với vị trí trợ lý giám đốc nhãn hiệu, rồi nhanh chóng thăng tiến lên vị trí giám đốc bán hàng kênh siêu thị và quản lý quảng bá hình ảnh, kinh doanh của một thương hiệu thời trang quốc tế. Năm ấy Trí mới 24 tuổi.

Không ngừng tự đánh giá và nhìn lại bản thân, Trí nhận ra “dù có thể thăng tiến, đạt được một vị trí nhất định nào đó bằng sự cố gắng làm việc hết sức mình cộng với một chút lanh lợi, một chút thông minh nhưng ở Việt Nam tôi vẫn chưa được đào tạo và có nền tảng kiến thức vững chắc.

”Vì vậy, quyết định bỏ lại vị trí và mức lương mà nhiều người lúc đó mơ ước, gom góp tất cả những gì mình có chỉ đủ để đóng học phí khóa học thạc sĩ marketing, anh lên đường sang Úc du học mà vẫn chưa biết sinh hoạt phí từ đâu ra. Nhưng với niềm tin bằng sự nỗ lực, kiên trì và chăm chỉ, kết quả của sự “đánh đổi” ấy là tấm bằng thạc sĩ và một công việc ổn định với mức thu nhập hơn 10.000USD/tháng tại Úc. Tuy nhiên, Trí bộc bạch: “Đâu đó trong tôi vẫn luôn cảm thấy Úc không phải là nơi thuộc về mình, không phải là nơi để thực hiện những hoài bão tuổi trẻ”.

Một lần nữa anh quyết định “đánh đổi” cuộc sống yên bình cùng người thân vì lúc đó gia đình anh đã sang Úc định cư, một mình quay về Việt Nam, đầu quân vào một công ty sản xuất thực phẩm với mức lương 1.000USD/tháng để ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp.

Hành động đúng sẽ thành công

Ba tháng sau đó, cùng với các cộng sự thân tín, Hứa Cao Trí đồng sáng lập Công ty CP Thực phẩm Gia đình Anco (AFF) để hiện thực hóa hoài bão tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cho ngành chăn nuôi và nông sản Việt Nam mà trước nay luôn được bán với giá thấp.

Là người Việt Nam, anh rất hiểu những trăn trở của đồng bào về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, anh cũng chia sẻ tầm nhìn là làm sao để mỗi gia đình Việt Nam có ít nhất một sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của AFF với giá thành phù hợp túi tiền, nhất là xúc xích, là một món ăn ưa thích của trẻ nhỏ.

Vì vậy, sau 5 năm với sự nhất trí và quyết tâm cao, tin tưởng vào tầm nhìn và sứ mệnh đã lựa chọn, anh và các cộng sự đã xây dựng AFF từ số vốn ban đầu 40 tỷ đồng đến nay đã có doanh thu gần 500 tỷ đồng, hơn 1.000 nhân sự với 2 nhà máy chế biến đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Và đặc biệt, sau 5 năm ở cương vị lãnh đạo Công ty AFF với lĩnh vực chính là xúc xích tiệt trùng, vị doanh nhân trẻ họ Hứa cùng các cộng sự đã đưa ra quyết định xây dựng nhà máy AFF 2, chuyên sản xuất bánh gạo Tê Tê, chỉ sử dụng gạo trong nước đạt chuẩn với mong muốn hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân gia tăng giá trị nông sản.

Với Hứa Cao Trí, bánh gạo Tê Tê chỉ mới là bước khởi đầu để hiện thực hóa sứ mệnh cao cả là làm sao đưa được sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.

Anh nhấn mạnh, để hướng đến sự phát triển chung của nền nông nghiệp, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam phải cùng chung tay hợp lực, liên kết chặt chẽ tạo ra thế “phòng vệ” chắc chắn trước sự “đổ bộ” của các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam hội nhập kinh tế với thế giới ngày càng sâu rộng.

Nhận xét về bản thân mình, doanh nhân trẻ Hứa Cao Trí cho rằng, còn phải học hỏi nhiều lắm, bởi một khi đã quyết định dấn thân vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, trong khi Việt Nam đã có những thương hiệu lớn, là cả một chặng đường chông gai phía trước.

Có thể nói, Hứa Cao Trí là một doanh nhân trẻ tràn đầy tâm huyết với ngành nông nghiệp nói chung và thực phẩm chế biến nói riêng. Dám từ bỏ công việc lương cao ở nước ngoài để về gầy dựng sự nghiệp ở quê hương, cho thấy anh đủ tự tin vào khả năng của bản thân mình. Anh cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Khởi nghiệp không đơn thuần chỉ là sự bắt đầu của việc kinh doanh mà phải từ niềm đam mê, dấn thân và quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và học hỏi kinh nghiệm mỗi ngày…”.

Tin liên quan
Tin khác