Cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng (DIC Corp) gây bất ngờ khi tăng vọt về khối lượng giao dịch. Gần 28,3 triệu cổ phiếu, tương đương 8,97% vốn điều lệ của Công ty, được sang tay thông qua giao dịch thỏa thuận trên sàn với giá giao dịch bình quân là hơn 17.500 đồng, thấp hơn 10% so với giá đóng cửa khớp lệnh (19.600 đồng). Cùng đó, cũng có 4,61 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công thông qua phương thức khớp lệnh, cao hơn khối lượng giao dịch bình quân 10 ngày gần đây (3,65 triệu cổ phiếu).
Tổng cộng, lượng cổ phiếu sang tay phiên 20/10 là gần 33 triệu cổ phiếu. Đây vẫn chưa phải phiên giao dịch kỷ lục của DIG. Cách đây 3 năm, thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn, Bộ Xây dựng đã bán được 128,4 triệu cổ phiếu thu về 2.468 tỷ đồng. Giá giao dịch thời điểm đó gần 19.300 đồng, tương đương mức hơn 16.000 đồng sau khi điều chỉnh. Giao dịch này cũng giúp một loạt quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn của DIC Corp.
Trong khi đó, ở giao dịch mới đây, bên bán chủ yếu cũng là các nhà đầu tư nước ngoài. Trước giao dịch, Amersham Industries Limited và CTCP TaeKwang Vina Industrial là hai cổ đông lớn nhất của công ty với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 11,17% và 9,73%. Sau phiên bán ròng gần 28,16 triệu cổ phiếu hôm qua, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm từ 32,7% xuống còn 23,8%. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài thu ròng về 492,6 tỷ đồng. Danh tính bên mua đến nay chưa được tiết lộ.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, công ty đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chủ trương hợp tác với Him Lam đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Đây là dự án dài hơi với diện tích 90,5 ha, đòi hỏi nguồn vốn dự kiến cho giai đoạn 2020 - 2026 lên tới 10.000 tỷ đồng. Ý chí của các cổ đông phân hóa rõ rệt ở nội dung này khi chỉ có 33,07% ý kiến đồng ý, 26,57% ý kiến không đồng ý và 20,31% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết không có ý kiến.
Phối cảnh tổng thể dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. |
Trên cả ba sàn, khối ngoại đã bán ròng 902 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ ngày 28/8 tới nay. Như vậy, chỉ riêng giao dịch này đã góp quá bán lượng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài hôm qua.
Dù áp lực bán ròng của khối ngoại đã trở thành xu thế áp đảo trong thời gian dài vừa qua, lực cầu từ các nhà đầu tư nội vẫn đỡ thị trường và giúp nhiều cổ phiếu và chỉ số chung của thị trường duy trì được đà tăng. Như tại DIG, tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã giảm 12% từ đầu năm nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng tới hơn 40%.
Trên sàn HoSE, VN-Index đóng cửa phiên 20/10 ở mức 944,2 điểm, tăng 0,73 điểm so với phiên hôm qua. Dù biến động lên xuống trong phiên, đây đã là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của chỉ số này. Thanh khoản tiếp tục ở mức cao, với giá trị giao dịch trên 9.000 tỷ đồng. VN-Index cũng đã hồi phục hơn 40% nếu tính từ vùng đáy xác lập hồi tháng 3/2020. Trên sàn HNX, HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,4%) trong ngày 20/10 vẫn đang neo cao ở mức 140,3 điểm.